30.000 sản phẩm ngoại nhập vận chuyển trái phép tại Phú Yên

author 06:56 29/08/2022

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên, lực lượng chức năng vừa tạm giữ trên 30.000 sản phẩm hàng hóa ngoại nhập vận chuyển trái phép.

Cụ thể, Đoàn công tác Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT Phú Yên) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Phòng PC 08 - Công an tỉnh Phú Yên) tiến hành dừng phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 29H-342.12 do ông Trần Mạnh Hùng, trú tại tỉnh Nghệ An điều khiển, đang lưu hành theo hướng Bắc–Nam.

Qua kiểm tra, khám phương tiện, Đoàn công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển 10 mục hàng với khoảng trên 30.000 sản phẩm, gồm: 9.000 miếng dán màn hình điện thoại (hiệu fullglass và hiệu glass); 1.100 cái ốp điện thoại hiệu berlia; 940 dây sạc điện thoại hiệu byz; 190 dây sạc điện thoại 3 trong 1 hiệu byz; 300 loa bluetooth các loại hiệu Kasinuo; 280 cái tai nghe hiệu byz; 150 củ sạc điện thoại hiệu byz; 30 bì đèn led hiệu IPY (loại 1 bì 10 dây); 40 bì đèn led hiệu Caution (loại 1 bì gồm 02 cuộn). Toàn bộ 10 mục hàng nói trên đều có thông tin bao bì do Trung Quốc sản xuất. Đáng lưu ý, tại thời kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng bị thu giữ 

Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, trên thị trường hiện có nhiều mặt hàng kinh doanh đủ các loại, tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng có nhãn mác rõ ràng. Các mặt hàng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng nhiều cùng với sự phát triển của xã hội, đây là một trong những vấn đề gây bức xúc trong đời sống của xã hội. Bởi hành vi này ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính người tiêu dùng, làm giảm niềm tin với sự minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất.

Các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu và phân phối thương mại sản phẩm phải có chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì sản phẩm ghi nhận các thông tin đầy đủ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, trường hợp kinh doanh hàng hóa mà khi có kiểm tra, đơn vị không xuất được các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP tùy thuộc vào giá trị hàng hóa sẽ bị xử phạt các mức khác nhau.

Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài hình phạt tiền, hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì còn có thể bị khởi tố điều tra, truy tố theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 về tội buôn lậu với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là 15 năm tù, với pháp nhân thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Còn trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang