Hà Nội tạm giữ hơn 500 thùng bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 17:22 28/08/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT Hà Nội vừa tạm giữ lượng lớn bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ tại xã La Phù, huyện Hoài Đức.

Theo Cục QLTT TP.Hà Nội, Đội QLTT số 24 phối hợp với Đội 4 (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra điểm kinh doanh đường Đồng Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, Điểm kinh doanh hàng hóa trên đang mở cửa có hàng hóa hoạt động kinh doanh. Đoàn kiểm tra gồm Đội QLTT số 24 phối hợp với Đội 4 (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) với sự chứng kiến của đại diện công an xã La Phù, cùng Bí thư Chi bộ Thôn Chùa Tổng - xã La Phù đã thực hiện công bố Quyết định kiểm tra và tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh trên.

 Hà Nội thu giữ nhiều bánh kẹo không rõ nguồn gốc. Ảnh: L.Giang

Thực hiện kiểm đếm hàng hóa đang được bày bán tại địa điểm kinh doanh trên, đoàn kiểm tra tạm giữ 520 thùng bánh kẹo các loại gồm: 58 thùng kẹo mềm Hamberger, nhãn hiệu weisier (06 hộp/thùng; 60 chiếc/hộp); 32 thùng bánh ngọt nguyên chất thủ công, nhãn hiệu Mei man Fu Ren Jia (120g/gói x 32 gói/ thùng); 158 thùng bánh Sanwich nhãn hiệu YaJiaFu (100g/gói ; 30 gói/ thùng); 41 hộp bánh bông lan (2kg/thùng); 27 thùng kẹo Eyebooll (06 hộp/thùng; 50 chiếc/hộp); 08 thùng kẹo Gummy Candy (12 hộp/thùng; 60 chiếc/hộp); 162 thùng Bánh quy 3Q Thank U (2kg/thùng); 25 thùng bánh trứng muối (02 kg/thùng); 09 thùng bánh Bông lan trứng (160g/gói x 16 gói/thùng).

Ghi nhận của lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, nhãn bằng tiếng nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh trên chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, sử dụng bánh kẹo không rõ nguồn gốc với chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Chúng có thể không gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngay nhưng về lâu dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà chúng ta ít ngờ tới.

Đặc biệt đối với bánh kẹo có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng phẩm màu. Phẩm màu có hai loại gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết xuất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng lượng lớn mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao.

Ngoài ra, các loại bánh kẹo trôi nổi trên thị trường chưa được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó đối với các mặt hàng không có nhãn mác, không in rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua. 

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5908 : 2009 về kẹo

Theo đó tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại kẹo cứng có nhân, kẹo mềm và kẹo dẻo.

Nguyên liệu

- Đường: phù hợp với TCVN 7968 : 2008 (CODEX STAN 212-1999 With amendment 1-2001);

- Các nguyên liệu khác như sữa bột, bột mì, bột cacao, dầu thực vật v.v..: đáp ứng yêu cầu để dùng làm thực phẩm theo các tiêu chuẩn tương ứng.

Chất nhiễm bẩn

Giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn như kim loại nặng, độc tố nấm mốc: theo quy định hiện hành.

Phụ gia thực phẩm

Sử dụng các loại phụ gia thực phẩm và các mức theo quy định hiện hành.

Ghi nhãn

Ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành và TCVN 7087 : 2008 (CODEX STAN 1-2005).

 Bao gói

Kẹo được đóng gói trong bao bì chuyên dùng cho thực phẩm.

 Bảo quản

Kẹo được bảo quản ở nơi khô, mát, tránh ánh sáng mặt trời, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Vận chuyển

Kẹo được vận chuyển bằng các phương tiện khô, không có mùi lạ làm ảnh hưởng đến sản phẩm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang