Tăng cường kiểm tra các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm tại Hà Nội

author 12:38 12/11/2022

(VietQ.vn) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm với quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện Thủ đô có 70.779 cơ sở thực phẩm. 9 tháng đầu năm, Thành phố đã kiểm tra 20.688 cơ sở, trong đó có 3.618 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra 20.688 cơ sở, trong đó có 16.985 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 82,1%) và 3.618 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 cơ sở với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, có 46 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 58 cơ sở bị đình chỉ.

Trong 9 tháng của năm 2022 không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn và bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.

Hà Nội phát hiện hơn 3.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm 

Đối với công tác xét nghiệm an toàn thực phẩm 9 tháng của năm 2022, qua xét nghiệm tại phòng thí nghiệm 377 mẫu (gồm: Thịt, sản phẩm thịt, trái cây, rau, củ, nước đá dùng liền, phụ gia thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng…) phát hiện 1 mẫu sản phẩm thịt phát hiện chỉ tiêu vi sinh vật tổng số vi sinh vật hiếu khí, 1 mẫu rau phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng Haptachlor, Leucomalachite green. Ngoài ra, xét nghiệm nhanh dụng cụ chế biến thực phẩm, tinh bột, nước sôi; thực phẩm, dấm, phẩm màu, hàn the, foocmon đạt 95.556/104.776 mẫu (tỷ lệ đạt 91,2%).

Cùng với đó, ngành y tế thành phố cũng xây dựng kế hoạch và triển khai 02 hoạt động chương trình an toàn thực phẩm, bao gồm: Hoạt động tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tiếp tục hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát, nhằm nâng cao ý thức tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học tại 20 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện; triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 10 quận, huyện.

Bên cạnh tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm.

Cụ thể, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông kịp thời thông tin tuyên truyền về các văn bản mới và thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn; tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Qua đó, nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nói “không” với thực phẩm “bẩn” là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe chính bản thân và gia đình mình.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang