Tăng cường quản lý nguồn gốc bao bì đóng gói, bảo quản thực phẩm

author 15:52 29/10/2021

(VietQ.vn) - Tiện lợi, nhanh chóng, hiện nay nhiều loại thực phẩm sống đến thức ăn chín đều được đựng trong các túi ni lông, các hộp nhựa thực phẩm. Tuy nhiên nếu không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Tiện lợi, nhanh chóng, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sử dụng hộp nhựa, hộp xốp hay túi ni lông để đựng. Thực trạng này đòi hỏi cần siết chặt quản lý nguồn gốc bao gói thực phẩm, vì nếu thực phẩm chín được đựng trong các đồ nhựa tái chế, không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu, hộp xốp đựng cơm có giá từ 130.000 đến 170.000 đồng/600 chiếc, túi ni lông giá từ 100.000 đến 130.000 đồng/3kg, thìa nhựa giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/túi (50 chiếc)… Điều đáng nói, nhiều sản phẩm không có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng an toàn... sự mập mờ trong nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm bao bì, có thể âm thầm gây ảnh hưởng sức khỏe của người dùng.

Dù biết việc thường xuyên sử dụng hộp xốp, hộp nhựa, túi ni lông đựng thực phẩm mang đến nhiều nguy cơ về sức khỏe về lâu dài nhưng vì phụ thuộc quá nhiều cũng như sự tiện lợi của các bao bì này, cả người bán hàng lẫn người dùng đều chấp nhận sử dụng.  

 Siết chặt quản lý nguồn gốc bao gói thực phẩm

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, không giống như những túi ni lông, hộp đựng thực phẩm làm từ loại nhựa cao cấp, nhiều loại túi, hộp nhựa, hộp xốp sản xuất từ nhựa tái chế không bảo đảm an toàn, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng trực tiếp với thức ăn chế biến sẵn. Tuy nhiên, đáng nói là những ảnh hưởng từ những vật dụng bao gói thực phẩm không an toàn này đối với sức khỏe không diễn ra ngay lập tức trong ngày một ngày hai, mà có thể âm thầm trong cơ thể khó nhận thấy rõ. 

“Nếu chứa đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100 độ C, hàm lượng monostyren (một loại chất độc) trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Ngoài ra, trong các sản phẩm nhựa, đặc biệt là hộp xốp thường có chứa BPA - một chất đã được Cơ quan Nghiên cứu về ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định có thể làm tổn thương não, gây viêm gan, rối loạn nội tiết, gây vô sinh và ung thư. Về nguyên tắc, hộp xốp chỉ được dùng một lần, việc sử dụng mang ý nghĩa tạm thời, không được dùng trong thời gian dài, vì càng tiếp xúc với thực phẩm lâu sẽ càng tăng nguy cơ phơi nhiễm chất độc hại”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người dân chỉ nên sử dụng hộp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm đúng các quy định về an toàn thực phẩm theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Loại hộp sản xuất từ nhựa PS chỉ dùng để chứa đựng, bảo quản thực phẩm có nhiệt độ dưới 70 độ C. Không dùng hộp xốp để đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài ngày, chỉ nên dùng một lần. Không dùng hộp xốp chứa các loại thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều mỡ, dầu ăn, nước sôi, đồ chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh…). Không dùng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm đựng trong hộp nhựa, hộp xốp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo, không nên tái sử dụng hoặc sử dụng hộp xốp, ống hút, cốc, đĩa nhựa để đựng và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài, bởi khi đó, những vật dụng này sẽ bị xước, ngả màu, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn tích tụ và gây bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời điểm hiện tại, khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh. Trong quá trình kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, ngoài việc kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ bao gói, chứa đựng thực phẩm bán mang về.

Bảo An (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang