Tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững

author 19:07 29/08/2024

(VietQ.vn) - Ngành nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững là "chìa khóa" thành công của tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chia sẻ, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao (năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao). Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EC, Nhật Bản...

Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định.

Trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản…; mô hình cánh đồng lớn; vườn cây ăn quả tập trung chuyên canh tại Cần Thơ doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm; vùng xoài cát Hòa Lộc sản lượng 10.000 tấn/năm; nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu cho năng suất 80 tấn/ha/năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha...

Nhờ đó, cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng được mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt ở hơn 196 quốc gia, vùng lãnh thổ (đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 trên 155 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 - 56 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Thực tiễn đã chứng minh việc đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đóng góp rất lớn đến sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đến nay, cả nước có 49 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp có trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH Group (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Doveco (xuất khẩu nông sản chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân, Lộc Trời…

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới.

Bên cạnh chỉ ra một số điển hình, ông Trần Đức Viên cũng thẳng thắn nhận định nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ và manh mún, chuỗi giá trị nông sản chưa được phát triển bền vững, trình độ ứng dụng công nghệ còn thấp. Do đó, sức cạnh tranh của nông nghiệp còn thấp, chuỗi giá trị thực phẩm nông sản chưa phát triển. Điều này làm cho năng suất lao động thấp, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines.

Ảnh minh họa

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý thời gian tới, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; Phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; Ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý và sản xuất.

Cần định hướng để phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo; trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên là nông dân. Do đó, trong thời gian tới cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững, nhất là các hợp tác xã cần ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang có được nhiều chính sách của Nhà nước hỗ trợ thúc đẩy trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhóm chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ giống, liên kết sản xuất tiêu thụ, chuyển đổi số, phát triển chế biến sâu, khuyến khích kêu gọi đầu tư, thuế và tín dụng đối với hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, nhìn chung về mặt chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt là không thiếu, vấn đề còn lại là năng lực và điều kiện tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản đối với các chính sách này như thế nào, hoặc khâu chính sách nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp.

Do đó, trong các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững và hiệu quả, không thể thiếu vai trò nòng cốt của các hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian tới, các hợp tác xã nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước, việc "xanh hóa" nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Do đó, các chủ thể trong chuỗi phải hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi cho phù hợp.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang