Xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút nhà đầu tư lớn từ nước ngoài

author 06:18 11/05/2022

(VietQ.vn) - Theo một đại diện doanh nghiệp, vấn đề của Việt Nam là làm sao khuyến khích, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, tạo điều kiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn, phù hợp với mong muốn, chính sách phát triển trong nước.

Tại lễ công bố "Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021” vừa diễn ra, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, năm 2021, nền kinh tế thế giới và đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế giảm sút, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đạt kết quả đáng khích lệ, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, việc thu hút và sử dụng vốn FDI cũng còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục như: Số dự án công nghệ cao từ Mỹ và châu Âu còn ít, số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm R&D chưa đáng kể, đóng góp vào ngân sách nhà nước của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô dự án và ưu đãi được hưởng; cơ cấu FDI theo vùng và địa phương còn mất cân đối; luật pháp chính sách về FDI chưa hoàn thiện...

GS. TSKH. Nguyễn Mại cho biết, nhằm khắc phục những mặt trái, bất cập đó và tăng cường thu hút, nâng cao hơn nữa hiệu quả FDI, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu thu hút và sử dụng FDI với một số chỉ tiêu cụ thể: Vốn đăng ký 2021-2025 đạt từ 150-200 tỷ USD; năm 2026-2030 đạt 200-300 tỷ USD. Vốn thực hiện năm 2021-2025 đạt 100-150 tỷ USD; năm 2026-2030 đạt 150-200 tỷ USD; trong đó, tỷ lệ nội địa hoá lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, có rất nhiều việc phải làm; trong đó, VAFIE nhận thấy, bên cạnh các báo cáo tổng kết và báo cáo hàng năm về FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần có một báo cáo thường niên FDI của Việt Nam với cách tiếp cận Báo cáo thường niên của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) và Báo cáo thường niên FDI ASEAN của Ban thư ký ASEAN để đánh giá toàn diện kết quả thu hút, sử dụng vốn FDI, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, phân tích môi trường đầu tư gắn với công cuộc cải cách nền hành chính quốc gia; tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI. Từ đó, kiến nghị với nhà nước định hướng, chính sách, luật pháp theo hướng đổi mới và sáng tạo để gia tăng số lượng dự án và vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Quyết định về Bộ Tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI với 26 chỉ tiêu. Cùng với đó là thành lập một Tổ công tác nghiên cứu về thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhiều FTA, thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu sắp có hiệu lực.

Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ cho rằng, vấn đề thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề lớn rất cần được quan tâm ở thời điểm hiện tại. Ông Hùng cho rằng, nếu không được giải quyết thấu đáo, trong vòng từ nay tới cuối năm sẽ có tác động đa chiều và đa phần là bất lợi cho môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

“Báo cáo về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên bổ sung nghiên cứu thực tế thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động ra sao tới tư tưởng của nhà đầu tư lớn, tìm ra kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng xử với thoả thuận nêu trên. Từ góc nhìn doanh nghiệp đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ để tìm được tiếng nói chung”, ông Hùng đề xuất.

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, với kinh nghiệm làm việc lâu năm với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong có thể xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và hợp tác chặt chẽ hơn với nhà đầu tư trong nước.

Vấn đề của Việt Nam là làm sao khuyến khích, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, tạo điều kiện để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn, phù hợp với mong muốn, chính sách phát triển trong nước. Về thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ông Nguyễn Công Ái cho rằng, nếu Chính phủ chỉ giao Bộ Tài chính làm thì rất khó khăn và mất thời gian, vì đây là vấn đề lớn, liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, đánh giá tổng thể chính sách thu hút đầu tư.

Trong hơn 3 thập kỷ qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Đến nay, khu vực kinh tế FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu từ nguyên liệu thô, khoáng sản sang công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; xuất siêu của doanh nghiệp FDI không những bù đắp nhập siêu của doanh nghiệp trong nước, mà còn góp phần cân đối cán cân thương mại quốc tế. Khu vực doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của nước ta và hàng triệu lao động gián tiếp khác...

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang