Thu hút FDI: Nói không với dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu

author 09:57 22/02/2022

(VietQ.vn) - Vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đã khác trước. Với định hướng thu hút vốn FDI thế hệ mới, hướng đến các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội, những năm gần đây, nhiều địa phương đã nói không với các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, từ đầu năm 2022, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra khá sôi động tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều dự án tiếp tục mở rộng quy mô, đi vào giai đoạn hoạt động ổn định. Đơn cử như trong tháng 1, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký của các dự án mới giảm mạnh (hơn 70%) do không có dự án tỷ đô nhưng đáng mừng là số lượng dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 2,2 lần so cùng kỳ.

Vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đã khác trước. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia đánh giá, vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đã khác trước. Với định hướng thu hút vốn FDI thế hệ mới, hướng đến dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội, những năm gần đây, nhiều địa phương đã nói không với các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn đem dự án đi “mặc cả” ở nhiều tỉnh, thành phố để so bì ưu đãi.

Có rất nhiều dự án nếu địa phương “gật đầu”, nhà đầu tư sẵn sàng vào rất nhanh như dệt may, da giày nhưng đã không được lựa chọn vì không đáp ứng các yêu cầu mới. Đến nay, Việt Nam đã ký và thực thi hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, giúp Việt Nam liên tục đạt kỷ lục mới về xuất nhập khẩu và lọt vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Nói đến những thành công trong xuất nhập khẩu mà Việt Nam đạt được nhờ tận dụng cơ hội lớn từ các FTA, đặc biệt là những năm đầu thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), GS. TSKH Nguyễn Mại bày tỏ tiếc nuối vì xu hướng đầu tư từ các thị trường Mỹ và châu Âu vào Việt Nam chưa mạnh mẽ như dòng chảy thương mại.

“Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm đến thương mại và chưa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư từ các thị trường này. Nhưng cũng có một thực tế khách quan là thương mại bao giờ cũng đi trước đầu tư. Hy vọng sau dòng chảy thương mại mở rộng theo các FTA, sắp tới sẽ là dòng chảy đầu tư quốc tế mạnh mẽ với nguồn vốn chất lượng cao”, vị chuyên gia nói.

Trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động. 

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

“Bên cạnh đó, chủ động lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:vốn FDI, dự án

tin liên quan

video hot

Về đầu trang