TCVN 13710:2023: Yêu cầu đối với quá trình giết mổ động vật dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm halal

(VietQ.vn) - TCVN 13710:2023 về Thực phẩm halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
TCVN 13709:2023 về thức ăn chăn nuôi Halal
Indonesia thông báo dự thảo quy định về việc sử dụng logo sản phẩm Halal
TCVN 13710:2023 đưa ra yêu cầu đối với quá trình giết mổ động vật dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm halal. Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu đối với quá trình giết mổ động vật dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm halal. Tiêu chuẩn áp dụng đối với động vật được phép giết mổ theo Luật Hồi giáo (Luật Sharia), tại các khâu thu mua, trước khi giết mổ, giết mổ động vật, sau giết mổ, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển sản phẩm động vật sau giết mổ, bao gồm cả phụ phẩm.
Theo đó, cơ sở giết mổ phải có cam kết thực hiện hệ thống đảm bảo halal trong từng bước của quy trình, bao gồm thu mua, tiếp nhận, trước khi giết mổ, giết mổ, sau giết mổ, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản, vận chuyển, cơ sở vật chất, vệ sinh và điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất thịt động vật halal bao gồm cả các sản phẩm phụ, trong các xưởng giết mổ động vật.
Cơ sở phải đảm bảo rằng địa điểm, nhà xưởng, nguồn nhân lực và trang thiết bị của quá trình giết mổ được thiết kế cho việc giết mổ halal của động vật và bắt buộc phải tách biệt với địa điểm, nhà xưởng, nguồn nhân lực và trang thiết bị giết mổ không phải là halal.
Đồng thời, cơ sở phải hiểu và đảm bảo điểm tới hạn halal trong quy trình giết mổ động vật nhằm mục đích đảm bảo halal, kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Cơ sở giết mổ phải có danh sách và lưu hồ sơ về các bên cung cấp động vật (cơ sở chăn nuôi và/hoặc cơ sở thu gom). Động vật phải có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định và đối với gia súc lớn là con cái, cần có thông tin về tình trạng sinh sản.
Địa điểm cơ sở giết mổ halal phải tách biệt rõ ràng với địa điểm của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không halal và tuân thủ các quy định pháp luật. Các cơ sở của lò giết mổ chỉ dành riêng cho việc sản xuất thân thịt và các sản phẩm tươi sống từ thân thịt là halal (không được trộn lẫn với phần thịt không halal).
Phương tiện vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với thân thịt và các sản phẩm tươi sống từ thân thịt phải là chuyên dụng để vận chuyển các sản phẩm halal và không được sử dụng thay thế cho các sản phẩm không halal. Phương tiện vận chuyển tiếp xúc trực tiếp với thân thịt và các sản phẩm tươi sống từ thân thịt không bị nhiễm najis (chất bẩn theo luật Hồi giáo) và trong điều kiện vệ sinh tốt.
Ngoài ra, cơ sở phải có quy trình bằng văn bản để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm halal. Quy trình truy xuất nguồn gốc phải đảm bảo rằng các sản phẩm được chứng nhận có nguồn gốc từ động vật halal, được giết mổ theo yêu cầu của halal và sản xuất tại các cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chí đối với cơ sở sản xuất halal.
Mai Phương