Thận trọng với cao dán chống say xe

author 07:26 29/06/2014

(VietQ.vn) - Cao dán chống say tàu xe được coi là một trong những giải pháp hữu ích cho người hay bị say tàu xe, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vì vậy người dùng nên hết sức thận trọng khi sử dụng.

Choáng váng vì lạm dụng cao dán chống say

Chị Vân Anh (phường Ngọc Trạo – Tp Thanh Hóa) là người rất sợ mỗi khi đi tàu xe vì chị có tiền sử bị tiền đình. Vì thế, mỗi lần có dịp phải đi xe ô tô hay tàu, chị thường sử dụng miếng dán chống say vì cho rằng nó có hiệu quả hơn thuốc uống. Tuy nhiên trong đợt đi nghỉ mát cùng cơ quan, sau khi chị dán hai miếng say xe ở hai bên tai khoảng 2 tiếng sau chị có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, bủn rủn chân tay… Vậy là trong suốt đợt nghỉ mát, chị luôn trong trạng thái mệt mỏi, choáng váng. 

Cao dán chống say xe có thể gây choáng váng cho người sử dụng

Cao dán chống say xe có thể gây choáng váng cho người sử dụng

Hay như trường hợp của chị Hà Anh còn nguy hiểm hơn. Vốn mắc bệnh “nhìn thấy ô tô là say”, chị Hà Anh quyết định dùng 2 miếng dán chống say cùng lúc cho chuyến đi dài bằng ô tô từ Hà Nội đến Cửa Lò. Trong lần đi chị thấy rất hiệu quả nên tiếp tục áp dụng cho cả lần về. Nhưng chỉ được nửa chặng đường chị đã thấy nhức đầu, rồi có biểu hiện rối loạn hành vi, ăn gì nôn ra hết, choáng váng... Về đến thành phố, chị nhanh chóng được đưa vào viện thì bác sĩ cho biết chị quá làm dụng vào việc dùng dán miếng say tàu xe nên dẫn đến hậu quả trên. 

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Huệ, BV Thanh Nhàn cảnh báo, những trường hợp sau khi dùng miếng dán say tàu xe dẫn đến những tác phụ như trên không phải là hiếm. Miếng dán say xe là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn. Khi dán trên da, các dược chất sẽ thấm qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu. Miếng dán có chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.

Nếu dùng quá liều, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ tác động đến hệ thần kinh, khiến người dùng bị khô miệng, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn hành vi, ảo giác... Do vậy, không được dán cao ở nơi da bị kích thích hay trầy xước, như thế sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất và có thể gây ngộ độc; không được dán lên mắt, niêm mạc, vùng da bị trầy xước, vùng da nổi mụn... 

Cao dán chống say xe cũng có thể gây mờ mắt

Trước đây, bác sĩ Trần Thị Phương Thu - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết  Bệnh viện Mắt tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám mắt với triệu chứng mắt mờ đột ngột sau khi dùng thuốc cao dán chống say xe (dạng miếng dán sau tai) có tên là Kimite.

Theo bác sĩ Phương Thu, loại cao dán này có thành phần là scopolamine 1,5mg/miếng. Đây là thuốc kháng cholinergic, có tác dụng giảm nhu động ruột, chống nôn. Thuốc có tác dụng phụ là liệt cơ mi mắt, gây dãn đồng tử, do đó làm mờ mắt, không nhìn gần được. Ở người có nguy cơ cườm nước (glaucoma), góc đóng (thường trên 40 tuổi) có thể làm lên cơn tăng nhãn áp cấp tính: đau nhức, đỏ, mờ mắt. Ngoài ra, còn có thể bị tăng nhịp tim, đỏ da, khô miệng, bí tiểu, bón, buồn ngủ, ảo giác...

Thận trọng khi sử dụng cao dán chống say xe

Không nên dùng cao dán chống say xe cho trẻ nhỏ

Không nên dùng cao dán chống say xe cho trẻ nhỏ

Nên dán miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi lên xe bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.

Cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2 - 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống.

Việc làm này rất phản khoa học, thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng phụ bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng. Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao.

Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.

Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8 - 15 tuổi nên dùng nửa miếng dán. Khi đang dán cao dán chống say xe xuyên da mà cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da.

Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc để bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ cao băng dán, người tiêu dùng nên rửa tay thật kỹ để thuốc không dính vào đồ ăn, thức uống vô tình được đưa vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Sau khi dùng, không nên bỏ cao dán bừa bãi mà nên bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em.

Linh Nguyễn (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang