7 "phép màu" đẩy lùi tham nhũng

author 06:43 17/12/2015

(VietQ.vn) - Một trong 7 giải pháp là đề xuất cơ chế bảo đảm cung cấp kịp thời, đúng pháp luật những thông tin về phòng chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí.

Vừa qua, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội gồm ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP; ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 5, quận Nam Từ Liêm, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13.

Nhiều cử tri TP. Hà Nội kiến nghị về công tác tham nhũng trong thời gian qua tuy đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế và chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Bên cạnh đó, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lí còn ít, một số vụ án lớn chậm đưa ra xét xử. Cử tri kiến nghị cần phải có biện pháp kiên quyết, xử lí nghiêm minh; tăng cường thanh kiểm tra việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương về phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm để củng cố lòng tin của nhân dân.

Về kiến nghị này, ông Đinh Xuân Thảo dẫn lại nội dung công văn trả lời của Thanh tra Chính phủ ngày 1/9/2015.

Theo Thanh tra Chính phủ, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao và luôn xác định công tác phòng chống tham nhũng là lĩnh vực khó khăn, phức tạp, phải tiến hành kiên trì, liên tục để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng chống tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.

công tác phòng chống tham nhũng

Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh Tuổi trẻ

Tham nhũng trong khu vực vẫn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao; việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức;…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng, những tháng cuối năm 2015 và thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp thể hiện sự cương quyết, quyết liệt trong xử lí tham nhũng, cụ thể như:

Một là, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng để kiến nghị sửa đổi toàn diện luật phòng chống tham nhũng và các luật liên quan khác cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo đảm cung cấp kịp thời, đúng pháp luật những thông tin về phòng chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí.

Ba là, chỉ đạo triển khai việc rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xư lý.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng để tạo sức mạnh răn đe tham nhũng.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Các cơ quan chức năng chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng

Sáu là, triển khai việc tổng kết để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng 2015, trong đó chú ý hoàn thiện chế định về thu hồi tài sản tham nhũng; cụ thể hóa, bổ sung đồng bộ những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tương trợ tư pháp và một số luật liên quan.

Bảy là, kịp thời động viên, khen thưởng xứng đáng những tổ chức, cá nân làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.  

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang