Tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi
Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON
Cảnh báo những lỗ hổng nghiêm trọng dễ bị các nhóm tin tặc khai thác
Cảnh báo chiêu thức lừa đảo tuyển dụng lao động thời vụ
Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký
Hiện nay, mục tiêu phát triển ngành điện đnag trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng bền vững cho hiện tại và tương lai. Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội đã yêu cầu tăng trưởng công suất điện lên từ 10-12% mỗi năm. Do vậy, việc đầu tư từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch (như điện gió ngoài khơi, điện khí) để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 là hết sức cấp thiết.
Nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần sớm hoàn thiện các khung chính sách pháp lý đồng thời có cơ chế tài chính ưu đãi hơn, để khuyến khích đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác, phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả, bền vững.
Trước mắt, các bộ, ngành liên quan (như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương,…) cần nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm đột phá phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.
Tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng phát triển nhu cầu năng lượng bền vững
Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net Zero là trọng tâm của các chính sách môi trường toàn cầu; không chỉ liên quan đến việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn đòi hỏi các quốc gia phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả, bền vững.
Tại Việt Nam, theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6%, tương đương với tổng lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Đặc biệt, Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu trên, theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, chuyển dịch năng lượng (việc thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm môi trường bằng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo) là giải pháp rất cấp thiết.
Việt Nam cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa
Chia sẻ về các giải pháp để phát triển điện gió ngoài khơi đạt được mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII, TS. Ngô Đức Lâm - Chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, nếu cứ chờ các quy định về điện gió ngoài khơi thì chắc chắn mục tiêu 6.000 MW điện gió ngoài khơi sẽ không đạt được vào năm 2030. Vì vậy, cần sớm có những giải pháp mang tính đột phá, thử nghiệm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm xây dựng cơ chế, hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi.
Theo TS. Ngô Đức Lâm, để đạt được mục tiêu trên, trước tiên phải có cam kết về giá mua điện và lộ trình tăng giá đảm bảo cho doanh thu của nhà đầu tư, dù việc này có thể dẫn tới tăng giá điện bán lẻ chút ít. Cho phép đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện theo các cam kết này làm cơ sở cho việc huy động vốn vay của dự án.
Thứ hai, chọn chủ đầu tư trong nước hoặc liên doanh với nhà đầu tư quốc tế, dựa trên năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng, vận hành các dự án điện gió; sở hữu công nghệ điện gió ngoài khơi đã được xác nhận và công nhận rộng rãi. Sau đó cùng nhà đầu tư thử nghiệm cơ chế thí điểm cho dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam. Song song với việc triển khai dự án thí điểm là tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách cho việc đấu thầu sau này.
Thứ ba, nhà đầu tư được chọn phải được giao khu vực biển để khảo sát và độc quyền phát triển điện gió tại đó (với quy mô ban đầu không dưới 1.000 MW) và không gian để tiếp tục mở rộng quy mô công suất (theo kinh nghiệm quốc tế, quy mô dự án điện gió ngoài khơi phải từ 1.000 MW trở lên mới có thể có giá điện cạnh tranh). Mặt khác, cần quy định rõ cấp có thẩm quyền được giao khu vực biển, cho phép khảo sát và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, xã hội...
Thứ tư, mở rộng các quy định cho các công ty Việt Nam tham gia cùng đối tác quốc tế trong chuỗi giá trị điện gió để xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, chú trọng ưu tiên 3 yếu tố: Chuỗi cung ứng, vận tải và hậu cần logistic, thuế ưu đãi.
Thứ năm, Chính phủ nên xem xét việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ tài chính, chẳng hạn như quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc các khoản vay ưu đãi, để giúp các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp và điều kiện trả nợ dễ dàng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đầu tư vào điện gió ngoài khơi đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài.
Đề xuất thêm giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, hướng đến Netzero tại Việt Nam, tiến sỹ Dư Văn Toán (Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo) cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng tới việc xây dựng chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi (từ chính sách, pháp luật đến việc đầu tư, đánh giá, khảo sát thực địa, môi trường, hiệu quả kinh tế).
Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục đánh giá tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh toàn vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam như: Nghiên cứu để quy hoạch các trang trại triển điện gió ngoài khơi xa bờ không nối lưới, phục vụ cho đảo và sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh trong tương lai với nhiều lợi ích lớn khác.
Ngoài ra, Việt Nam cần có nghiên cứu xây dựng và phê duyệt đề án chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để chuẩn hóa bản đồ biển, ranh giới và diện tích biển, đo đạc biển. "Đặc biệt là nghiên cứu và ban hành cơ chế thí điểm đột phá phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi đến năm 2030 giúp khởi động thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi," ông Toán nhấn mạnh.
Khánh Mai (t/h)