Tháo gỡ nút thắt, tiếp sức doanh nghiệp vượt qua Covid-19

author 06:53 27/06/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của doanh nghiệp, người dân.

Trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, bao gồm các gói hỗ trợ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội… Việc ra đời và triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện sự quan tâm và quyết liệt trong thực hiện “mục tiêu kép” đó là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách trong thực tế đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. 

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, điểm nghẽn ở đây chính là khâu thiết kế thực hiện chính sách còn nhiều vấn đề vướng mắc; cách thức tổ chức, triển khai chính sách còn cồng kềnh chưa phù hợp với thực tiễn, từng doanh nghiệp, người lao động cần hỗ trợ. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo… tạo thành nút thắt cản trở cơ hội thụ hưởng trong bối cảnh cần tiếp sức nhanh của doanh nghiệp, người dân.

Nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp “vượt bão” Covid-19, ông Nam cho rằng, các gói hỗ trợ chính sách xây dựng phải tương đối đa dạng, ngoài hỗ trợ tài khóa về thuế, giãn, hoãn thuế cần có thêm những gói chính sách mới với điều kiện tiếp cận rộng hơn, nhanh hơn, thủ tục cần đơn giản hơn để vực dậy hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Cần cân nhắc các điều kiện hỗ trợ, tránh sai lầm từ quy định không sát thực tế. Mặt khác, phải xây dựng chính sách có tính trung hạn như hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng hay điều chỉnh chính sách phù hợp với khách quan của dịch bệnh như điều kiện của chính sách nợ xấu tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sau 4 đợt dịch, bản thân các doanh nghiệp cũng rất chủ động ứng phó với dịch Covid-19 nhưng tiềm lực và sức chống chịu có hạn, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, sức chống đỡ giảm mạnh. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất và đối tượng tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để doanh nghiệp bứt lên nắm bắt cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của dịch suy giảm và được khống chế…

Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa với hàng loạt tiêu chuẩn(VietQ.vn) - Hỗ trợ các doanh nghiệp trong khủng hoảng đại dịch COVID-19 là chủ đề của Ngày Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) năm nay, được tổ chức vào ngày 27 tháng 6. ISO có nhiều nguồn lực để trợ giúp các MSME, hiện tại và lâu dài.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang