Thay thế vật liệu amiăng độc hại ở Việt Nam để cứu hàng triệu dân nghèo

author 19:30 28/06/2017

(VietQ.vn) - Việc thay thế vật liệu amiăng bằng những vật liệu khác có tính an toàn hơn sẽ giúp hàng triệu người dân có thu nhập thấp tránh nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo từ chất độc này.

‘Rất nhiều người dân chung sống với amiăng mà không biết tác hại’

Đây chính là phát biểu của TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khi nói về thực trạng sử dụng amiăng tại Việt Nam thời gian qua. Theo ông Hùng, bộ phận dân cư hiện đang sử dụng và thường xuyên phải tiếp xúc với amiăng độc hại chính là những người đang sống ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Lý giải về điều này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng ở các khu vực nói trên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân không có đủ tiền để sử dụng các vật liệu an toàn với giá cao mà thường mua các loại vật liệu rẻ tiền để phục vụ sinh hoạt. Trong đó, những tấm lợp Fibro xi măng là vật liệu được các đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn nhiều nhất khi lợp mái nhà, xây các công trình vệ sinh, chuồng trại…Thực tế này đã đặt ra mối lo ngại khi chất độc hại amiăng sẽ dần thâm nhập vào cơ thể người, tạo nên các căn bệnh hiểm nghèo nhất là bệnh ung thư.

 Hàng ngày vẫn có hàng triệu người dân thu nhập thấp chung sống với amiăng.

Theo PGS.TS Trần Trung, Giám đốc Học viện dân tộc, kể từ 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 nước tiêu thụ Amiăng nhiều nhất thế giới. Trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn Amiăng nguyên liệu. Năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6) và top 5 các nước châu Á sử dụng Amiăng. Hiện nay có khoảng 5000 công nhân trực tiếp tiếp xúc trong sản xuất tấm lợp. Tấm lợp được cung cấp và tiêu thụ chủ yếu cho hàng triệu người dân có thu nhập thấp ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ thiên tai, bão lụt với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu m2.

Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp amiăng – xi măng. Hiện nay, cả nước có 43 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, năng lực sản xuất khoảng 106 triệu m2/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động. Tấm lợp amiăng xi măng là sản phẩm vật liệu được sử dụng phổ biến đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp.

Đặc biệt khi cần khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, các thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp thì tấm lợp amiăng xi măng là mặt hàng dễ huy động, chi phí thấp, không đòi hỏi khắt khe về kết cấu công trình và có những đặc tính phù hợp với khí hậu khắc nghiệt như ven biển có độ mặn cao của Việt Nam, giúp nhanh chóng tạo ra chỗ ở tạm tránh mưa, nắng, giữ ấm cho người, chỗ trú ngụ cho gia súc và kho chứa nông sản.

Cũng theo ông Trần Trung, các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã thu được kết quả tích cực nhưng việc sử dụng tấm lợp Fibro xi măng vẫn rất lớn và có thể lên đến hàng tỉ tấm lợp. Chính vì vậy, ảnh hưởng của việc sử dụng Amiang trắng, trong đó có các loại tấm lợp Fibro xi măng đến sức khỏe là không thể phủ nhận. Điều này đã được các tổ chức y tế như Cục Y tế môi trường (Bộ Y tế), tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Ảnh hưởng của việc sử dụng Amiang không chỉ trong sản xuất loại vật liệu này.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ở một số nơi vẫn còn sử dụng nước mưa được hứng từ mái nhà có lợp Fibro xi măng một cách vô tư mà không nghĩ đến những tác hại sức khỏe có thể gặp phải trong tương lai. Không những thế, việc tuyên truyền tác hại của sử dụng amiang hầu như không được triển khai một cách bài bản ở vùng dân tộc thiểu số, những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Qua những phân tích trên, có thể thấy, rất nhiều người dân Việt Nam đặc biệt là những vùng, địa bàn, hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế đang phải sống chung với amiăng độc hại có trong các vật liệu xây dựng quen thuộc. Vấn đề này cũng đã đặt ra câu hỏi hóc búa cho các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học trong việc tìm ra giải pháp để thay thế những vật liệu chứa amiăng độc hại bằng các vật liệu khác an toàn hơn.

Triển vọng giải pháp thay thế vật liệu amiăng

Việc nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam được bắt đầu từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115/2001/QĐTTg vào năm 2001.

Theo TS Đỗ Quốc Quang, nguyên Viện phó Viện công nghệ, Bộ Công thương,  sản phẩm tấm lợp không amiăng được cấu thành bởi khá nhiều vật liệu như xi măng, sợi PVA, bột giấy, bụi silica và một số phụ gia khác với công nghệ sản xuất khá phức tạp.

Trong đó, sợi amiăng thường được thay thế bằng loại sợi nhân tạo PVA (Polyvinil Alcohol). Ngoài sợi PVA, cũng đã có một số loại sợi khác được nghiên cứu sử dụng thay thế nhằm tăng chất lượng, giảm giá thành của sản phẩm như sợi PP, PVC, PAN... Các loại sợi thay thế này đều không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và đã được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm thông thường trong ngành may mặc, giày dép, túi xách tay, mũ bảo hiểm cho người đi xe máy…

Bản chất sự an toàn này nằm ở chỗ các loại sợi được sử dụng thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp đều là sợi nhân tạo, có đường kính khá lớn (trên 10 µm),chiều dài từ 3 – 6mm và rất bền, khó bị phân tách khi sản xuất nên không thể đi vào hệ thống hô hấp của con người như trường hợp sợi amiăng.  

Ngay từ 2002, sau khi Quyết định 115/2001/QĐ-TTg được ban hành, Viện Công nghệ - Bộ Công Thương đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng”. Từ đó, đã liên tiếp triển khai hàng loạt đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước để hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho sản xuất sản phẩm không amiăng. Từ 2003 – 2005, triển khai đề tài cấp Nhà nước KC.06.15 “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng”.

Kết quả là năm 2007, Viện Công nghệ đã thiết kế, chế tạo và vận hành dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng đầu tiên tại Công ty CP. Tân Thuận Cường, tỉnh Hải Dương.

 Dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng tại Công ty CP. Tân Thuận Cường, tỉnh Hải Dương.

Từ năm 2012 đến tháng 6/2014 triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước “Hoàn thiện công nghệ chế tạo dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không Amiăng công suất 3 triệu m2/năm”. Kết quả của dự án đã được ứng dụng vào dây chuyền sản xuất tấm lợp tại công ty CP. Nam Việt (Navifico), Q. 9, TP.HCM.   

Sản phẩm tấm lợp không amiăng của Công ty CP Tân Thuận Cường đã đạt tiêu chuẩn Nhật Bản JIS A 5430:2004 và từ năm 2008 đến nay đã được xuất khẩu thường xuyên sang Hàn Quốc và các quốc gia khác.  

Tháng 12/2013, dây chuyền sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng thứ hai năng suất 5 triệu m2/năm được đưa vào vận hành trên cơ sở hoán cải dây chuyền tấm lợp amiăng cũ tại Công ty CP. Nam Việt (Navifico) TP. Hồ Chí Minh và tháng 12/2014 đã thực hiện đơn đặt hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Đông (Ai Cập), năm 2015 đã thực hiện đơn hàng lớn xuất khẩu sang Ấn Độ.

TS Đỗ Quốc Quang nói thêm rằng, chỉ trong một thập niên, Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu vật liệu, giải pháp công nghệ, thiết bị, mô hình sản xuất sản phẩm không amiăng trên quy mô công nghiệp. Nhiều nước trên thế giới như Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Sry Lanka, Iran, Uzbekistan... đã học hỏi và áp dụng kinh nghiệm này của Việt Nam.

Hiện nhóm chuyên gia nghiên cứu của Bộ Công Thương vẫn đang tiến hành tư vấn công nghệ cho các nước này. Đó cũng là một sự khích lệ rất lớn để Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản xuất tấm lợp không amiăng. 

Phong Lâm

Tác hại khủng khiếp và cách tránh bị nhiễm bệnh từ chất độc amiăng trắng(VietQ.vn) - Theo WHO, các bệnh ung thư có liên quan tới amiăng trắng bao gồm ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim), ung thư phổi, thanh quản và ung thư buồng trứng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang