Thị trường Halal rộng mở, doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường tỷ đô

author 15:16 04/11/2024

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động triển khai tiêu chuẩn Halal trong quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho người tiêu dùng Hồi giáo.

Doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội khai phá thị trường Halal. Ảnh minh họa

Thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Theo đó, số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2024 đạt khoảng 2,02 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050.

Hiện nay, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research, giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu dự kiến đạt hơn 2.500 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng lên 4.900 tỷ USD vào năm 2031.

Ở Việt Nam, tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có khoảng 90.000 tín đồ Hồi giáo, sinh sống tập trung 14 tỉnh, thành phố, trong đó đông nhất tại An Giang, TP.HCM, Tây Ninh và Ninh Thuận. Ðã có 4 tổ chức Hồi giáo (Islam) được Nhà nước công nhận.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Halal, ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án đặt ra các định hướng lớn, chiến lược góp phần xây dựng và phát triển ngành Halal tại Việt Nam một cách hiệu quả, chuyên nghiệp. Tháng 4/2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia – HALCERT (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) được thành lập, là cơ sở quan trọng góp phần đưa sản phẩm Halal Việt Nam đến với thị trường Halal thế giới.

Theo thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - NAFIQPM (Bộ Nông nghiệp và Phát triển ông thông), Việt Nam hiện có gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal với các đơn vị dẫn dắt như TH True Milk và Trung Nguyên đã tiên phong trong việc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm Halal. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã chủ động triển khai hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 22000, FSSC 22000, đồng thời đạt chứng nhận Halal cho nhiều sản phẩm. Đại diện công ty chia sẻ, việc đạt chứng nhận Halal không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường mà còn khẳng định năng lực và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành thực phẩm.

Chia sẻ về câu chuyện xuất khẩu thị trường Halal, ông Nguyễn Văn Cảm – Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước thuộc C.P. Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế. Hiện nhà máy đạt được các chứng nhận như sau ISO 9001, ISO 22000, GFSI như BRC và FSSC. Các thị trường EU, UK đòi hỏi thêm các yêu cầu về phúc lợi động vật được chính cơ quan tổ chức có uy tín trên thị trường cấp chứng nhận.

Để tiến vào thị trường Hồi giáo, các sản phẩm của công ty còn được yêu cầu phải có chứng nhận Halal quốc tế phù hợp với từng quốc gia. “Mỗi quốc gia đặt ra các tiêu chuẩn khác nhau nên quá trình đàm phán kéo dài, mất rất nhiều thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp. Để sản phẩm đến được với thị trường Halal, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y: Giới thiệu vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcatle trên trang web Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), xây dựng chỉ dẫn địa lý để các nước sớm chấp thuận thịt tươi đông lạnh. Tiếp tục đàm phán có kết quả đối với thị trường nhằm tối đa hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường…” – ông Cảm đề xuất.

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để thiết lập mối quan hệ với các quốc gia Hồi giáo. Mới đây, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út và Qatar, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với Tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Ả Rập Xê Út. Thỏa thuận này mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như đo lường, tiêu chuẩn và đào tạo, thử nghiệm và hiệu chuẩn, đồng thời thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trường Halal.

Hiện tại, Việt Nam đang hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý và thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực Halal. Nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal đang được xây dựng, cùng với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về Halal, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt dễ dàng tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn này vào sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường Halal toàn cầu và những động thái tích cực từ chính phủ cũng như doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một nhà cung ứng quan trọng trong chuỗi giá trị Halal quốc tế. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường này đòi hỏi nỗ lực không nhỏ từ phía các doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn Halal của từng quốc gia.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang