Thu giữ lượng lớn xe đạp điện, phụ tùng xe điện các loại không rõ nguồn gốc
Loạt trải nghiệm cực đỉnh mới đón hè 'cập bến' Vinpearl Harbour
Bừng sáng tại sân chơi công nghệ InnovFest - cơ hội cho Startup Việt Nam vươn tầm quốc tế
Thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), từ 27/5 đến 29/5, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Định phối hợp Đội 3, Phòng PC03, Công an tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra trên khâu lưu thông tạm giữ 160 chiếc xe đạp điện, xe máy điện các loại và 1.423 sản phẩm phụ tùng xe điện các loại. Cụ thể, kiểm tra khi đang lưu thông với phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát 89H-012xx, hành trình từ tỉnh Lạng Sơn đến TP.HCM, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 93 chiếc xe máy điện các loại và 413 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe điện.
Thu giữ số lượng lớn xe đạp điện, phụ tùng xe điện các loại không rõ nguồn gốc.
Tiếp đến, qua kiểm tra lưu thông đối với phương tiện xe ô tô tải biển kiểm soát 89H-xxx.30, hành trình từ tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh phía Nam lực lượng kiểm tra phát hiện và tạm giữ 26 chiếc xe đạp điện, 41 chiếc xe máy điện các loại, 1.000 chiếc đèn (led) xe điện, năm bộ điều khiển, năm chiếc động cơ xe điện.
Tại thời điểm kiểm tra, người bị kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn hợp lệ theo quy định pháp luật và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ của hai vụ việc trên khoảng 1 tỉ đồng.
Thực tế, thời gian qua xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do sử dụng phụ tùng giả, kém chất lượng gây ra như: Cháy nổ xe, gãy trục xe... gây tai nạn và tổn thất cho người sử dụng cũng như an toàn xã hội. Tình trạng tự lắp ráp, độ xe là nguyên nhân của không ít vụ cháy, nổ xe đạp điện, xe máy điện thời gian qua. Ông Lê Yên Thanh - CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS, người có tên trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2022 cho biết, xe đạp điện gắn bình điện hay pin đều có nguy cơ cháy, nổ như nhau.
Theo ông Lê Yên Thanh, pin sử dụng trong xe đạp điện là pin lithium - loại pin dùng cho điện thoại và laptop. Các hãng sản xuất xe dùng loại pin tốt, xấu khác nhau. Pin tốt bảo đảm quy chuẩn về an toàn, còn pin kém chất lượng sẽ có mạch điện tử bảo vệ pin kém, thiếu hụt cực âm dương. Khi gặp các yếu tố như sạc quá mức, bị nguồn nhiệt từ bên ngoài ảnh hưởng hoặc tác động cơ học như va đập, pin sẽ bị phù, nóng lên và phát cháy. Pin có chất lượng tốt nhưng nếu dùng quá lâu ngày, được cắm sạc qua đêm nhiều lần cũng bị quá tải, ảnh hưởng đến công suất và dễ cháy, nổ khi bị va đập.
Nguy cơ cháy, nổ cũng xảy ra với xe dùng bình điện, nếu bình kém chất lượng, mối nối trên bình không được cách điện tốt, chì và a-xít trong bình bị tràn ra ngoài hoặc dùng lâu ngày nhưng không bảo dưỡng, sạc bình quá lâu, nguồn điện sạc không ổn định. “Mỗi sản phẩm pin/ắc quy, mô tơ trên xe đều có công suất nhất định. Việc các chủ cửa hàng tự thay đổi kết cấu, độ thêm nhiều phụ kiện dễ dẫn tới quá tải nguồn điện, hoặc khiến thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện làm xe phát nổ” - ông Lê Yên Thanh khuyến cáo.
An Nguyên