Thủ tướng phát động phong trào “năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế

author 10:20 07/08/2019

(VietQ.vn) - Sáng nay, 7/8, tại Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát động phong trào “năng suất lao động quốc gia” trong toàn bộ nền kinh tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị "Cải thiện năng suất lao động quốc gia" do Bộ KTĐT tổ chức sáng nay 7/8 tại Hà Nội. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung đánh giá thực trạng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến NSLĐ và đề ra các giải pháp cải thiện NSLĐ quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị nghe báo cáo “NSLĐ và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng NSLĐ của Việt Nam” của Bộ KH&ĐT, báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp tăng NSLĐ” của Bộ KH&CN, báo cáo “Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” của Bộ LĐTB&XH, báo cáo “Mô hình kinh tế mới và tác động đến NSLĐ” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động) tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Nếu năm 2011, NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 17,6 lần, 6,3 lần, 2,9 lần và 2,4 lần, thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần.

Ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.

Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao nhất với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại có mức NSLĐ rất thấp, thấp nhất trong các khu vực kinh tế, đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế.

NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp gấp trên 3 lần mức NSLĐ chung của cả nước. So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất. Đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Theo Tổng cục Thống kê, các yếu tố ảnh hưởng đến tăng NSLĐ ở Việt Nam là quy mô nền kinh tế còn nhỏ; quá trình dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn bất cập; khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.

Nhìn lại bức tranh tổng thể về năng suất lao động Việt Nam (VietQ.vn) - Nhằm tìm ra các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam, hội nghị 'Cải thiện năng suất lao động quốc gia' do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (dự kiến) chủ trì sẽ được tổ chức vào sáng nay (7/8).

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang