Thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giải phát xanh cho nền nông nghiệp
Phú Thọ: Nâng cao chất lượng sản phẩm với hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL
Tăng cường các giải pháp quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
ISO/IEC TS 17012: Hướng dẫn sử dụng phương pháp đánh giá từ xa trong đánh giá hệ thống quản lý
Ninh Bình: Kiểm tra việc duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015
Ảnh minh họa.
Thế giới đã có xu hướng sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn và xu hướng này phản ánh sự kết hợp của một số yếu tố: Cấm hoặc loại bỏ dần các chất hóa học tổng hợp được sử dụng với số lượng lớn; phát triển và ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, hướng đích tác dụng của hóa chất BVTV; canh tác các cây biến đổi gen có khả năng kháng sâu bệnh hoặc chỉ cần sử dụng tối thiểu hóa chất trong kiểm soát dịch hại.
Theo xu hướng của thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam định hướng đến năm 2025 sẽ tăng số lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký lên 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%, và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quang Hiếu, khẳng định thuốc BVTV đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo ông Hiếu, năm 2024, Việt Nam kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 60 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trái cây chiếm hơn 6 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên, các thị trường quốc tế ngày càng siết chặt quy định về dư lượng thuốc BVTV, đặt ra yêu cầu thay đổi nhận thức và thói quen canh tác cho người nông dân.
Ông Hiếu nhấn mạnh, tỷ lệ thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam hiện chiếm 18%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn cần gia tăng để thay thế các loại thuốc hóa học. Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn cải thiện hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Hữu Quảng - Đại diện CropLife Việt Nam, phát triển hoạt chất BVTV mới là quá trình dài hơi, đòi hỏi khoản đầu tư lớn, lên đến 301 triệu USD và hơn 12 năm nghiên cứu. Hiệu quả, tính an toàn là hai vấn đề được ưu tiên nhất trong sản xuất thuốc BVTV. Có hai giai đoạn chính: Nghiên cứu các hoạt chất và đưa ra thử nghiệm trên đồng ruộng. Quá trình thử nghiệm trên đồng ruộng thường kéo dài khoảng 4 năm và nghiên cứu tính an toàn thì có thể kéo dài tới 20 năm, nhằm đảm bảo sản phẩm mang lại lợi ích cho nông dân, không gây lãng phí tài nguyên và tính tới độ an toàn với con người, động vật và môi trường đất, nước; sinh vật thuỷ sinh.
Để sử dụng thuốc BVTV vừa phòng trừ được sinh vật gây hại lại an toàn cho con người, môi trường, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho rằng, đây là bài toán khó. Việc sử dụng thuốc BVTV có nguyên tắc quan trọng là chỉ sử dụng khi sinh vật gây hại khi vượt ngưỡng gây hại lớn. Ngành nông nghiệp cần tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học và giảm thuốc hóa học. Cần phát triển các loại thuốc BVTV thế hệ mới dù giá cao nhưng phòng trừ sâu bệnh cao và an toàn cho người, môi trường...
Bà Bùi Thanh Hương - Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, ngành nông nghiệp có các đề án hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh; trong đó có Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Hiện trong số hơn 100 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 80% số nhà máy sản xuất thuốc BVTV sinh học, song sản lượng còn thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuốc BVTV hóa học hay sinh học đều có những ưu, nhược điểm. Không thể thiên về dùng một loại nào, mà cần kết hợp hài hòa giữa hai loại, sử dụng luân phiên. Có loại bệnh thì dùng thuốc này, có loại dùng thuốc kia. Có những lúc dịch bệnh xảy ra phải dùng thuốc hóa học mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, nông dân cũng không nên lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng”: đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc, đúng cách để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.
Theo ông Lê Đăng Quang - Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong tương lai, với cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam sẽ cần một nền nông nghiệp có quy mô lớn và hiệu quả cao để cung cấp đủ nông sản cho người dân. Sử dụng thuốc trừ sâu hóa học vẫn được coi như một công cụ chính để chống lại sâu bệnh trên đồng ruộng (đặc biệt là các tác nhân gây dịch hại nhanh và rộng như châu chấu, rầy nâu, đạo ôn) và cũng do an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm tới. Lượng sử dụng thuốc BVTV sẽ tăng đáng kể ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các quốc gia khác khi mở rộng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các lựa chọn để kiểm soát dịch hại đã được bổ sung rất hiệu quả bằng cách sử dụng thuốc BVTV sinh học và những tiến bộ trong các lĩnh vực như di truyền học, công nghệ sinh học, tính bền vững và công nghệ ứng dụng thuốc BVTV sinh học có hướng đích nhiều hơn. Những yếu tố này trong tương lai sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng thuốc BVTV hóa học so với hiện nay.
Duy Trinh (t/h)