Mỹ khẩn cấp cấm thuốc trừ sâu thường dùng để diệt cỏ ở vườn rau vì có thể gây hại cho thai nhi

author 15:20 09/08/2024

(VietQ.vn) - Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã ra lệnh cấm việc sử dụng một loại thuốc trừ sâu dacthal thường được dùng cho súp lơ xanh, bắp cải bi xen, bắp cải, hành, cải xoăn và dâu tây có thể gây hại cho thai nhi.

 Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã ra lệnh cấm việc sử dụng một loại thuốc trừ sâu có thể gây hại cho thai nhi. Sau gần 40 năm, cơ quan này mới có một lệnh cấm khẩn cấp như vậy.

Chất diệt cỏ này được gọi là dimethyl tetrachloroterephthalate, hay dacthal (DCPA) được dùng để loại bỏ cỏ dại ở rất nhiều vườn trồng rau quả như súp lơ xanh, hành, cải xoăn, bắp cải tí hon, bắp cải và dâu tây.

Theo EPA, nếu một phụ nữ mang thai tiếp xúc với hóa chất này, nồng độ hormone tuyến giáp của thai nhi có thể bị thay đổi. Việc này có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho đứa trẻ, trong đó có tình trạng sinh thiếu cân, suy giảm phát triển não, giảm chỉ số IQ và suy giảm kỹ năng vận động khi lớn lên.

Tiến sĩ Michal Freedhoff ở Văn phòng An toàn hóa chất và Phòng ngừa ô nhiễm, Mỹ, nói rằng "DCPA nguy hiểm đến mức cần loại bỏ nó ngay khỏi các chợ."

"Nhiệm vụ của EPA là bảo vệ mọi người khỏi tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Trong trường hợp này, phụ nữ mang thai có thể không bao giờ biết rằng họ đã tiếp xúc với hóa chất này và có thể sinh ra những đứa trẻ gặp phải các vấn đề sức khỏe suốt cả cuộc đời mà không thể cứu chữa được", Tiến sĩ Freedhoff cho biết thêm.

Thuốc sâu dacthal dùng để diệt cỏ dại khi trồng rau có thể gây hại cho thai nhi. Ảnh minh họa

Trước đó, Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng DCPA từ năm 2009. Các loại thuốc trừ sâu được đăng ký sử dụng ở Mỹ phải được phân tích lại sau mỗi 15 năm để đảm bảo chúng không tác động xấu đến sức khỏe con người và không gây hại cho môi trường. Đánh giá gần đây của EPA về DCPA là một phần trong việc thực hiện quy định đó.

Theo các chuyên gia, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất đem lại sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường, đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của con người. Đặc biệt đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Việc chăn nuôi càng khó khăn vì trâu bò ăn phải cỏ bơm thuốc sẽ đau bụng, gầy yếu.

Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh. Nếu con người ăn thịt của những loài động vật này, cơ thể sẽ bị nhiễm hóa chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật hiểm nghèo.

Quá trình sử dụng thuốc trừ cỏ lâu dài, quá mức mà không có những giải pháp quản lý, xử lý dễ dẫn đến tích lũy và tồn lưu một số hoạt chất có nguồn gốc từ thuốc trừ cỏ trong môi trường. Đặc biệt phổ biến nhất trong môi trường đất, nước.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép và cấm sử dụng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm 1.820 hoạt chất, trong đó thuốc sử dụng trong nông nghiệp gồm thuốc trừ sâu là 712 hoạt chất với 1.725 tên thương phẩm, thuốc trừ bệnh là 683 hoạt chất với 1.561 tên thương phẩm, thuốc trừ cỏ là 260 hoạt chất với 791 tên thương phẩm, thuốc trừ chuột là 08 hoạt chất với 43 tên thương phẩm, thuốc điều hoà sinh trưởng là 60 hoạt chất với 178 tên thương phẩm, chất dẫn dụ côn trùng là 08 hoạt chất với 08 tên thương phẩm, thuốc trừ ốc là 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm, chất hỗ trợ (chất trải) là 05 hoạt chất với 06 tên thương phẩm.

Thuốc trừ mối là 16 hoạt chất với 23 tên thương phẩm. Thuốc bảo quản lâm sản là 07 hoạt chất với 08 tên thương phẩm. Thuốc khử trùng kho là 03 hoạt chất với 09 tên thương phẩm. Thuốc sử dụng cho sân golf gồm thuốc trừ bệnh là 02 hoạt chất với 02 tên thương phẩm, thuốc trừ cỏ là 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm, thuốc điều hoà sinh trưởng là 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm. Thuốc xử lý hạt giống gồm thuốc trừ sâu là 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm, thuốc trừ bệnh là 12 hoạt chất với 12 tên thương phẩm. Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch gồm 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm 31 hoạt chất, trong đó thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản là 23 hoạt chất; thuốc trừ bệnh là 06 hoạt chất; thuốc trừ chuột là 01 hoạt chất, thuốc trừ cỏ là 01 hoạt chất. 

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang