Cục An toàn thông tin khuyến cáo cảnh giác với chiêu lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng

author 20:17 06/08/2024

(VietQ.vn) - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo, người dân cần thận trọng trước chiêu lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng.

Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng. Thậm chí xuất hiện các đối tượng lừa đảo lập tài khoản xã hội ảo để đăng bài quảng cáo, giả danh bác sĩ để tư vấn và bán thuốc đặc trị khiến không ít người dân mắc bẫy.

Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, một nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này đã phản ánh mua phải thuốc điều trị bệnh xương khớp bằng thuốc Đông y từ một đối tượng giả mạo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quân đội. Sau khi đặt mua và sử dụng, người này xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường.

Điển hình, vốn bị bệnh xương khớp, tiểu đường, mất ngủ do tiểu đêm ông Đ.V.T. (72 tuổi, ở Hà Nội) phải tái khám thường xuyên. Cách đây không lâu, sau xem các quảng cáo trên MXH về một "loại thuốc gia truyền ba đời, chỉ uống một liệu trình sẽ khỏi", ông T. đã đặt câu hỏi dưới phần bình luận. Ngay sau đó, một người tự xưng dược sĩ xin số điện thoại, gọi điện tư vấn cho ông T. về liệu trình điều trị. Sau 20 phút được tư vấn, ông T. có cảm giác như được "bác sĩ" bắt trúng bệnh nên tin tưởng mua nửa liệu trình với 10 hộp thuốc trị giá 4.499.000 đồng để điều trị giảm đau nhức xương khớp, hạ đường huyết. Tuy nhiên, chưa uống hết 2 lọ ông T. đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng, vàng da, men gan cao.

Người dân không nên tin tưởng đặt mua thuốc trên mạng vì có thể bị lừa đảo mua phải thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc chỉ là thực phẩm chức năng. Ảnh minh họa

Cục An toàn thông tin cho hay, ở hình thức lừa đảo trên, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là hoạt động theo hội nhóm, đồng thời tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc "thần dược" với giá cao. Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn.

Bên cạnh những đối tượng tự xưng là "nhân viên tư vấn", sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc. Những loại thuốc này có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.

Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò "giảm giá" cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội cũng đã điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức gọi điện thoại cho người mắc bệnh xương khớp tư vấn và bán thuốc điều trị.

Đối tượng giả danh nhận mình là Phan Thanh Hải, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, thăm hỏi tình hình sức khỏe người bệnh, các loại thuốc đã dùng, sau đó mời mua thuốc "calcium", "phục cốt đơn" của "Nhà chùa Long Hương" hoặc "Trung tâm hỗ trợ sức khỏe" với giá từ 1 - 3 triệu đồng/đơn thuốc (từ 1 - 3 hộp thuốc trên), kèm theo "thẻ bảo hành" có mã bảo hành 110299. Trên thẻ bảo hành còn cung cấp nội dung như: "Thẻ bảo hành vì sức khỏe người Việt", hứa hoàn 50 triệu đồng "nếu khách hàng phát hiện trong sản phẩm có chất gây hại".

Ngoài ra, tại mặt sau (màu trắng) sẽ điền thông tin khách hàng sở hữu thẻ cùng cam kết cải thiện 90% bệnh lý, nếu không nhà thuốc sẽ hỗ trợ miễn phí đến khi dứt điểm, khỏi hẳn bệnh; hoàn tới 80% chi phí điều trị nếu bệnh lý không cải thiện. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo này chuyển thuốc cho người bệnh qua dịch vụ EMS Việt Nam hoặc Viettel Post, nhờ thu tiền hộ qua nhân viên giao hàng.

 
Mới đây Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016. Theo đó, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng. Người bán phải đăng tải thông tin thuốc phù hợp với quy định về quảng cáo thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền. Người kinh doanh thuốc online cũng phải bảo mật thông tin người mua theo quy định về an ninh mạng; tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc đúng quy định. Dự thảo nêu rõ "không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác" ngoài luật này.
 

Sau đó, đối tượng lừa người bệnh tham gia chương trình lập sổ hỗ trợ thăm khám bệnh miễn phí tại các bệnh viện trung ương hoặc sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, với điều kiện phải nộp tiền phí lập sổ hoặc tiền thuế giá trị gia tăng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện mua bán thuốc trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc. Người dân khi có bệnh cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng; tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.

Trong trường hợp gặp phải những đối tượng lừa đảo hình thức trên, người dân cần báo cho cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, chia sẻ thông tin về các sản phẩm nghi ngờ với cộng đồng để cảnh báo và giúp người khác tránh bị lừa đảo.

Liên quan tới tình trạng lừa đảo này, PGS-TS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong quá trình thăm khám bác sĩ đã xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý mua thuốc trên mạng xã hội. Có những trường hợp bệnh nhân điều trị tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận qua mạng và thuốc được gửi thông qua bên giao hàng. Qua khai thác các bệnh nhân này cho biết trên mạng đều có "dược sĩ", "bác sĩ" tư vấn và những trang bán hàng bệnh gì cũng chữa được.

Theo PGS- TS Đỗ Đình Tùng, thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt và việc mua bán qua mạng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: không kiểm soát được nguồn gốc thuốc, thuốc giả, không đúng chỉ định của thuốc… Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, gây ra các biến chứng hay hậu quả khó lường. Đó là chưa kể thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng thuốc, nhiều thuốc giả được quảng cáo thổi phồng công dụng, sai chỉ định làm mất "thời gian vàng" điều trị của bệnh.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang