Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, giảm thời gian thông quan hàng hóa

author 06:58 08/07/2020

(VietQ.vn) - Đẩy mạnh cải cách, giảm thời gian thông quan hàng hóa là mục tiêu được ngành Hải quan đưa ra nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo nhận định từ Tổng cục Hải quan, sự tác động nặng nề của dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2020 đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí bên bờ vực phá sản. Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn này cũng như về lâu dài chính là sự chung tay hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. 

Thời gian qua, ngành Hải quan cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình là việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp C/O để hưởng ưu đãi thuế. Cụ thể, ngay từ những tháng đầu năm, khi doanh nghiệp phản ánh khó khăn không thể có C/O để nộp đúng hạn theo quy định do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận toàn bộ vướng mắc và dự kiến hướng tháo gỡ. Trên cơ sở ý kiến doanh nghiệp, thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp C/O, cùng với thực tế tình hình, cơ quan Hải quan đã nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành tham mưu Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong giai đoạn dịch COVID-19.

Không chỉ có Thông tư 47/2020/TT-BTC mà trước đó, ngay đầu tháng 2/2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Quyết định ban hành danh mục hàng hoá NK phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 được miễn thuế NK. Dự thảo nhanh chóng được hoàn thiện và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế NK phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng cục Hải quan cũng nhanh chóng có văn bản hướng dẫn cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện miễn thuế NK các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch theo Quyết định 155/QĐ-BTC.

Ảnh minh họa 

Tiếp tục nhiều mục tiêu cải cách

Cũng theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã rà soát, đề xuất xây dựng nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Hải quan. Trong đó, trình ban hành hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định 46/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ quy định hàng hóa quá cảnh theo hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN; Thông tư 13/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2015/TT-BTC về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng hóa và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ba dự thảo Nghị định gồm: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; dự thảo Nghị định hướng dẫn chế độ tạm quản theo Công ước Istanbul. Ngoài ra, một loạt văn bản pháp luật khác đang được Tổng cục Hải quan nỗ lực xây dựng như: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 127/2013/NĐ-CP….

Để hoàn thiện chính sách pháp luật lĩnh vực hải quan, lĩnh vực xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết vướng mắc trong áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP; phối hợp xây dựng Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giai đoạn 2020-2022; phối hợp xây dựng, trình ban hành Nghị định 39/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cu Ba giai đoạn 2020-2023.

Hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu

Hiện nay Tổng cục Hải quan đang tập trung hoàn thiện Đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020 theo hướng cơ quan Hải quan là đơn vị đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, nhằm góp phần cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật của Tổng cục Hải quan trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vướng mắc phát sinh, nội luật hóa các cam kết quốc tế và bổ sung các quy định đáp ứng yêu cầu quản lý. Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và đơn vị có liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa, xây dựng cơ quan Hải quan hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN thông qua việc xây dựng dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng xử lý tập trung. Đồng thời, thủ tục hành chính triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia hiện đạt 198 thủ tục, với trên 3 triệu hồ sơ của gần 37.000 doanh nghiệp, đảm bảo 100% doanh nghiệp truy cập và được xác thực qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Song song đó, Việt Nam đã thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử với 10 nước ASEAN.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang