Tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng cà phê Việt Nam

authorGia Bách 22:07 12/03/2015

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, thời gian tới, Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung cần phải phát triển cà phê theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm với năng suất, chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, cả nước hiện có trên 640.000ha cà phê, tập trung ở vùng Tây Nguyên. Với sản lượng trên 1,6 triệu tấn cà phê nhân/năm, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, và là quốc gia dẫn đầu về sản xuất càphê Robusta, chiếm gần 1/5 tổng sản lượng càphê toàn cầu.

Hiện cà phê nước ta đã xuất khẩu đến hơn 60 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD. Hàng năm, ngành cà phê không những đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (chiếm khoảng 2% GDP) mà còn là nguồn thu chủ yếu của 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, với trên 1,6 triệu lao động; góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, nhất là các tỉnh Tây Nguyên.

Tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng cà phê Việt Nam

Tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng cà phê Việt Nam. Ảnh: S. T

 

Bên cạnh thành tựu đạt được, hiện ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, sản xuất càphê vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế.

Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nguyên) ông Trần Đức Thanh cho biết, hiện nay, cà phê Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự tăng nhanh không theo quy hoạch về diện tích dẫn đến rừng bị tàn phá, đất đai thoái hoá; năng suất, sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh doanh mang lại còn ở mức thấp. Mặc dù có sản lượng cà phê Robusta đứng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được thị trường tiêu thụ. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng và chế biến càphê ngày càng bị ô nhiễm và mất tính ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp tăng nhanh, song việc tái canh đang gặp khó khăn, là vấn đề nan giải của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và của ngành cà phê nói riêng; việc giải quyết tái canh cà phê đang là vấn đề cấp bách và rất cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng sản xuất và kinh doanh bền vững.

Cũng theo ông Thanh, trong thời gian tới, Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung cần phải phát triển càphê theo hướng bền vững, có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - kinh doanh, giữa các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; sản xuất càphê theo đúng quy hoạch, tạo ra sản phẩm hàng hoá với năng suất, chất lượng cao, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang