Tìm kiếm những nhà đầu tư có trách nhiệm trong thu hút nguồn vốn FDI

author 06:22 01/12/2022

(VietQ.vn) - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành một trong những động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần thu hút các dự án FDI có chất lượng hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài kém chất lượng gây ra.

Động lực phát triển kinh tế

Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế nhận đầu tư. Ở các nền kinh tế đang phát triển, FDI tạo ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn và việc làm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất... Chính vì những lợi ích này, các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam đã coi việc thu hút FDI trở thành động lực trong chiến lược phát triển kinh tế và tích cực nỗ lực cải thiện điều kiện thị trường, môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua 35 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua. 

So với năm 1991 - thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng chỉ ra, tính đến ngày 20/11/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt hơn 25,1 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 0,4% so với 10 tháng và tăng 10,3% so với 9 tháng.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 4,19 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động. Ước tính, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.

Lựa chọn các dự án chất lượng

Song song với mặt tích cực thì hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng nảy sinh một số vấn đề bất cập. Cụ thể, báo cáo của cơ quan thuế chỉ ra, luôn có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội. 

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở cho chúng ta về rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, tình trạng quan hệ lao động ở một số doanh nghiệp chưa tốt, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi đã xảy ra tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần thu hút các dự án FDI có chất lượng hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài kém chất lượng gây ra. Các địa phương có vai trò trong việc thẩm định dự án đầu tư nước ngoài để lựa chọn được các dự án tốt.

Ngày 02/06/2022, Thủ tướng đã ký Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm: Châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines; Châu Âu: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; và Châu Mỹ: Hoa Kỳ.

Tăng 50% số lượng Tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang