TP.Hồ Chí Minh: Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao

author 11:00 19/10/2022

(VietQ.vn) - Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án trong nước.

Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng. Trong 9 tháng năm 2022, có 18,75 tỷ USD vào vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam với 1.355 dự án cấp mới. Đây có thể nói là tín hiệu đáng mừng và cho thấy Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.

Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao

 Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh mẽ.

Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh luôn thu hút những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược thuận lợi, dân số đông, lao động có trình độ chuyên môn, là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước cũng như là một đô thị đa văn hóa thích hợp cho người nước ngoài tìm đến làm việc, sinh sống và du lịch. Chính vì vậy, Thành phố luôn là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 9 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) vào Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đăng ký của cả nước, tăng 26,1% so với cùng kỳ, chia ra:

Vốn đăng ký cấp mới có 567 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 348,0 triệu USD, giảm 7,6% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động thông tin và truyền thông có 126 dự án, vốn đăng ký là 134,2 triệu USD, chiếm 38,6% vốn đăng ký cấp mới; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 217 dự án, vốn đăng ký là 106,3 triệu USD, chiếm 30,5%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 142 dự án, vốn đăng ký 32,0 triệu USD, chiếm 9,2%. Xin-ga-po là nước dẫn đầu với 97 dự án, vốn đăng ký đạt 121,8 triệu USD, chiếm đến 35,0% vốn đăng ký cấp mới; Nhật Bản với 60 dự án, vốn đăng ký 60,2 triệu USD, chiếm 17,3%; Hàn Quốc với 81 dự án, vốn đăng ký đạt 47,1 triệu USD, chiếm 13,5%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 114 lượt dự án với số vốn tăng 1.489,1 triệu USD, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 16 dự án, vốn đăng ký 905,6 triệu USD, chiếm 60,8% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 13 dự án, vốn đăng ký 264,5 triệu USD, chiếm 17,8%. Xin-ga-po là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 9 tháng năm 2022 đạt 1.151,1 triệu USD, chiếm 77,3% vốn đăng ký điều chỉnh.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.797 lượt với vốn góp là 1.129,5 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 424,2 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 222,2 triệu USD, chiếm 19,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản 203,5 triệu USD, chiếm 18,0%.

Hàn Quốc và Xin-ga-po là hai quốc gia có tỷ trọng cao lần lượt chiếm 30,3% và 21,1% trong vốn góp. Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn Thành phố đến ngày 20/9/2022 là 11.007 dự án với vốn đăng ký là 55,45 tỷ USD (Thành phố dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước).

Nếu như trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất) thì hiện nay, các dự án lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đây là các lĩnh vực mà Thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến.

Bên cạnh những lợi thế trong thu hút đầu tư, Thành phố cũng đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động… mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới nhưng để có thể thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn FDI mới, tiềm năng, Thành phố Hồ Chí Minh cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…

Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong thủ tục, quy trình đầu tư… thị trường lao động của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng rất lớn về kinh tế số, và đây sẽ là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang