“Trần trụi” xúc xích, nem chua rán vỉa hè

author 11:40 24/01/2013

(VietQ.vn) – Xúc xích, nem chua rán bày bán tại các quán vỉa hè, chợ cóc không có bao bì bảo quản, thêm “hàng tấn” bụi khói xe hàng ngày nhưng vẫn thu hút được một lượng lớn “thượng đế” đến ăn.

Ăn ngay lề đường

Những quán bán đồ ăn vặt như: xúc xích, nem chua rán, bánh khoai, bánh ngô chiên… mọc lên ngày càng nhiều trên các vỉa hè, ngõ nhỏ hay tại các khu chợ cóc.

Quan sát của PV Chất lượng Việt Nam trên một số con phố như: Nghĩa Tân, Tô Hiệu, Thụy Khuê, đường Láng, hàng Ngang, hàng Đào, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy, Dương Quảng Hàm… không khó để bắt gặp các hàng quán bán đồ ăn vặt này.

Xúc xích rán là món ăn khoái khẩu của nhiều người

Người đi đường đều dễ dàng nhận thấy các quán ăn không có khăn, giấy hay bất cứ hình thức gì che chắn thức ăn cho đỡ bụi bẩn. Tuy nhiên, dường như các “thượng đế” không hề bận tâm đến điều này.

Các quán cóc vỉa hè này vẫn rất đắt khách vì người mua chỉ cần tấp vào lề đường, dừng xe là đã có thể mua vài chiếc bánh, xúc xích hay ít nem chua rán. Rất nhiều người dừng lại dọc hai bên đường để mua, cũng như kẻ đứng người ngồi lố nhố trên vỉa hè, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là những đoạn ngã ba, ngã tư, điểm nút tắc đường dọc đường Láng. 

Chị Thu Nga dừng mua xúc xích tại một quán trên đường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết: “Ăn ở vỉa hè cũng có nhiều cái tiện, đỡ phải lỉnh kỉnh vào cửa hàng mua rồi lại về rán. Nhiều hôm tự dưng thấy thèm nên mình cũng tạt vào mấy quán vỉa hè mà ăn”.

Không hề có thiết bị bảo quản nào

Theo quan sát, những người bán hàng không hề dùng găng tay để rán. Xúc xích, nem chua rán thì bóng nhẫy mỡ rất dễ bám bụi. Tất cả đều “phơi mặt” ra đường, “hít” hết bụi của hàng triệu lượt xe qua lại trong ngày.

Trên đường Láng (Đống Đa) cứ cách khoảng hơn chục mét là lại có một quán cóc gồm 1 bếp, 2 cái chảo rán, 1 chậu bột vàng vàng, đỏ đỏ không biết phẩm màu hay gấc; xung quanh có rất nhiều khoai lang, chuối, ngô đã được thái nhỏ và ngổn ngang ghế rải dọc vỉa hè.

Những quán này phục vụ thực khách chủ yếu là giới trẻ, sinh viên, các đôi tình nhân từ đầu buổi trưa cho tới tối, hầu như không lúc nào vắng khách. Bạn Phương Trang, sinh viên Học viện Ngoại giao Hà Nội cho hay: “Bọn em hay ăn ở mấy quán này lắm, giá cả sinh viên, ăn ở đấy không gian rộng rãi, nói chuyện cũng thoải mái”.

Không rõ nguồn gốc, vẫn ăn

Trung bình, tại các quán ăn vỉa hè, xúc xích rán có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/chiếc, nem chua rán 5.000 đồng/cái, giá “bình dân” như vậy nên rất đông người tìm đến ăn. Tuy nhiên, các loại đồ ăn này khi bán đã được rán sẵn, còn xúc xích chưa rán thì để thành từng túi, không có nhãn mác gì.

Theo bật mí của một chủ quán bán xúc xích tại chợ Xanh (Cầu Giấy), xúc xích khi đã qua lò nướng hoặc đem rán thì dù là hàng "xịn" hay hàng nhái đều rất khó phân biệt. Do vậy, hầu hết các quầy xúc xích vỉa hè đều lấy hàng đã qua sơ chế. Khách đến mua, nếu yêu cầu làm nóng, sẽ được chủ quán đảo qua lò nướng nên khó nhận biết được xúc xích của hãng nào và có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Xúc xích "trần trụi" tha hồ "hít" bụi đường

Nguyên liệu không rõ nguồn gốc, mỡ được rán để bán cho khách mới nhìn đã thấy “ngấy”. Những chảo mỡ cứ rán đi rán lại không biết bao nhiêu lượt, bên dưới còn được chủ quán dự phòng cả một can mỡ to, màu vàng nâu đậm, ở đáy can còn có thể thấy lớp cặn màu đen.

PGS. Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Giám đốc Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, thông thường, thực phẩm dù sử dụng chất bảo quản cũng chỉ có thời hạn phổ biến là 3 - 6 tháng, tối đa là hai năm. Muốn bảo quản lâu, sản phẩm đòi hỏi phải đảm bảo thanh trùng tốt, bao bì kín được hút chân không.

Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit (hay còn gọi là săm-pết). Trong đó, săm-pết vừa có tính năng bảo quản, vừa làm tươi, đỏ màu xúc xích. Tuy nhiên, ông Thịnh cảnh báo, nếu sử dụng quá liều, săm-pết sẽ phản ứng với axit amin có trong thịt để tạo ra samin, chất gây ung thư.

PGS.TS Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định, để có màu đỏ như những loại xúc xích bày bán ở vỉa hè hiện nay, chắc chắn phải sử dụng tới phẩm màu. Khi bị lạm dụng, chất này không chỉ có nguy cơ gây ung thư mà còn là tác nhân của nhiều chứng bệnh khác ở trẻ nhỏ, như rối loạn hệ thần kinh và tiêu hóa, gây ra trạng thái kích động, cười đùa ngoài tầm kiểm soát.

Hà Linh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang