Nhiều tỉnh triển khai kế hoạch ứng phó với kháng thuốc
Phòng khám đa khoa Tân Bình cùng 6 bác sĩ bị tước giấy phép
Bắt buộc khai báo hóa chất nguy hiểm nhằm phòng ngừa sự cố, thảm họa môi trường
Khánh Hòa: Xây dựng tiêu chuẩn yến sào và trầm hương, nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đề kháng kháng sinh là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người. Tại Việt Nam, tình trạng này cũng không ngoại lệ. Các báo cáo cho thấy, tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh đang gia tăng nhanh chóng. Điều này dẫn đến việc nhiều bệnh lý nhiễm khuẩn trở nên khó điều trị hơn, tốn kém hơn và kéo dài thời gian điều trị.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm: Sử dụng kháng sinh không đúng cách; Việc tự ý sử dụng kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, sử dụng kháng sinh không đủ liều, hoặc dùng kháng sinh không cần thiết; Quản lý kháng sinh chưa hiệu quả, thiếu sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ trong việc kê đơn và sử dụng kháng sinh; Ý thức cộng đồng về kháng sinh còn hạn chế do người dân chưa có kiến thức đầy đủ về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh.
Hậu quả trực tiếp của kháng thuốc trên người bệnh là hạn chế số lượng phương pháp và thuốc điều trị, kéo dài thời gian điều trị, thời gian nằm viện, chi phí khám chữa bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Tình trạng kháng thuốc đang đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa
Kháng thuốc ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực sức khỏe, tác động đến toàn bộ xã hội, không hạn chế trong phạm vi quốc gia mà trên toàn thế giới. Kháng thuốc được WHO công bố là một trong 10 vấn đề sức khỏe trọng điểm năm 2021 mà thế giới phải quan tâm. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Khi nhiễm trùng có thể không điều trị được bằng các thuốc kháng sinh lựa chọn đầu tiên, phải sử dụng nhiều thuốc đắt tiền.
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc nhiều tỉnh thành đã đồng loạt đưa ra các mục tiêu cụ thể thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Điển hình, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xác định việc nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc là yếu tố quan trọng. Theo đó thành phố đưa ra chỉ chỉ tiêu tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ, đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030 và ở nhân viên y tế, nhân viên thú y đạt ít nhất là 60% vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030.
Tham gia hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật. Giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm. Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, tham gia có hiệu quả hệ thống giám sát quốc gia kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh trên địa bàn Thành phố.
Tương tự, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng đặt ra mục tiêu chung của Chiến lược chống kháng thuốc là đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật. Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất là 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; nhân viên y tế, nhân viên thú y đạt ít nhất là 60% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Tỷ lệ các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập chỉ tiêu và triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; tuyến huyện đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030...
Tầm nhìn đến năm 2045, kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc; tổ chức thực hiện giám sát kháng thuốc, giám sát sử dụng, tiêu thụ kháng sinh có hiệu quả để ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trước đó tỉnh Tiền Giang cũng triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục đích phấn đấu tỷ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất là 50% vào năm 2025, đạt 60% vào năm 2030 và ở nhân viên y tế, thú y đạt ít nhất là 60% vào năm 2025, đạt 70% vào năm 2030. Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật. Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm làm giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm.
Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Tỷ lệ các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Tỷ lệ các cơ sở khám, chữa bệnh cho động vật tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đạt ít nhất 10% vào năm 2025 và 20% vào năm 2030. Bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc kháng vi sinh vật có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe con người và động vật.
Cũng trong kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030 tỉnh Nghệ An phấn đấu có ít nhất 1 bệnh viện tham gia hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người vào năm 2025 và ít nhất 02 bệnh viện tham gia hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người vào năm 2030. Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc trong lĩnh vực y tế được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc. Tỷ lệ các bệnh viện thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc tại tuyến tỉnh đạt ít nhất 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; tại tuyến huyện đạt ít nhất 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Thực hiện quản lý, giám sát đề kháng kháng sinh trong bệnh viện
Theo Quyết định số: 5631/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 31/12/2020 về việc hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng thuốc kháng sinh trong bệnh viện cần thành lập Ban quản lý sử dụng kháng sinh và xác định được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên trong Ban. Xây dựng kế hoạch hoạt động định kỳ hoặc đột xuất và triển khai thực hiện các hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện theo kế hoạch đã xây dựng. Kiểm tra, giám sát và tiến hành các can thiệp. Đánh giá, tổng kết và báo cáo kết quả sử dụng kháng sinh và mức độ đề kháng của vi sinh vật gây bệnh tại đơn vị.
Việc giám sát đề kháng kháng sinh tại các bệnh viện có khoa vi sinh, bệnh viện cần định kỳ tổng kết đề kháng kháng sinh (tối thiểu 1 năm một lần và khi cần thiết) thông qua xây dựng Bản tổng kết mức độ nhạy cảm (hoặc đề kháng) của vi sinh vật tại bệnh viện.
Bản tổng kết mức độ nhạy cảm (hoặc đề kháng) của vi sinh vật tại bệnh viện nên thể hiện được các nội dung sau: Phân bố các chủng vi sinh vật gây bệnh, phân loại theo mẫu bệnh phẩm, phân loại theo khoa điều trị (hồi sức tích cực và ngoài hồi sức tích cực), phân loại theo nguồn gốc nhiễm trùng (cộng đồng, bệnh viện) (nếu có thể). Tỷ lệ nhạy cảm và đề kháng của các chủng vi sinh vật với kháng sinh. Xu hướng thay đổi tỷ lệ nhạy, kháng, trung gian theo thời gian.
Dữ liệu về các chủng vi sinh vật gây bệnh và mức độ nhạy cảm nên được sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị kháng sinh kinh nghiệm tại cơ sở. Ban quản lý cần đảm bảo rằng tất cả các nhân viên y tế trong bệnh viện tiếp cận được kết quả vi sinh và tổng kết kết quả vi sinh cũng như đã được tập huấn về phiên giải, áp dụng được kết quả này trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
An Dương