Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022

author 07:48 01/01/2022

(VietQ.vn) - Các chuyên gia kinh tế đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 đều nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng từ những ngành nghề đang được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 như kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

Năm 2021 đầy biến động đã khép lại, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng 2,58%, lạm phát bình quân tăng 1,84%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, Tổng cục Thống kê nhận định: Nhiều dự báo cho thấy dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Nhưng với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương không thực hiện giãn cách trên diện rộng để phòng, chống dịch và tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam cũng đạt ở mức cao, hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng khá so với năm trước. Bên cạnh đó, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ...

Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 đến từ kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa. 

Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp điều hành để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất trong năm 2022, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và cân đối lớn của nền kinh tế. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cần tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất.

Đồng thời phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lưu thông; cơ cấu lại và phục hồi, phát triển một số ngành quan trọng như logistics, vận tải, hàng không, du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 đều nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng từ những ngành nghề đang được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 như kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Theo TS Vũ Thành Tự Anh, kinh tế số và đổi mới sáng tạo tới đây sẽ diễn ra mạnh hơn. Đi cùng với đó là xu hướng tăng tốc thương mại, dịch vụ điện tử. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới với hơn một nửa đến từ khu vực nông thôn. Thương mại điện tử cũng có mức tăng gấp đôi chỉ trong hơn hai năm.

Trước Covid-19, đây là điều không tưởng, và doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội sẽ tụt lại phía sau. Còn theo quan điểm của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc, sự phục hồi đối với doanh nghiệp và nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 không phải là trở lại trạng thái của ngày hôm qua, mà phải bắt đầu một diện mạo mới, mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững và tăng cường khả năng chống chịu. Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là lực lượng xương sống, nếu được thúc đẩy bởi cải cách thể chế mạnh mẽ.

Đó là nền tảng quan trọng để tin tưởng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, cùng với sự trợ lực từ Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài đang được Chính phủ xem xét, quyết định.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang