Chuyên gia bóc mẽ nguyên nhân Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

author 10:21 08/05/2014

TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, phân tích sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam vừa phát đi thông điệp phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Theo đó, ngày 2/5 vừa qua, Trung Quốc đã đưa giàn khoan đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Để có thêm những góc nhìn rõ ràng về những toan tính của Trung Quốc, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, về vấn đề này.

Thưa Tiến sĩ, theo ông, việc làm của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế như thế nào?

Theo các thông tin mà chúng ta được biết, ngày 3/5 trên trang web Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về giàn khoan Hải Dương HD 981 tác nghiệp và yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động cách giàn khoan này 1 hải lý.

Trước đây, Trung Quốc đã có những tuyên bố, đưa tin công khai đóng một giàn khoan khổng lồ, đầu tư rất nhiều tiền để hoạt động trong Biển Đông và chúng ta cũng đã có những bình luận xung quanh hoạt động này.

Giàn khoan này đã được Trung Quốc công khai việc thiết kế xây dựng, nay Trung Quốc đã chính thức lắp đặt tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hành động đưa giàn khoan đặt trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động tiếp nối những hoạt động trước đó.  Đây là một bước đi rất nguy hiểm, bởi Trung Quốc đã cắm giàn khoan vào vị trí cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý. Cách đường ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà chúng ta đã công bố 80 hải lý. Nghĩa là nó nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.  Đây là một hoạt động trắng trợn, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Vi phạm lợi ích sống còn của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định Công ước Luật Biển năm 1982.

Trung Quốc có một sự tính toán và cân nhắc khi đặt giàn khoan vào vị trí này.

Đây là vị trí  nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cách đảo Tri Tôn về phía Nam quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý (khoảng 30km).

Có một vấn đề pháp lý mà nếu chúng ta không phân tích cụ thể thì có thể mắc bẫy của Trung Quốc. Đây là một cái bẫy mà Trung Quốc muốn giăng ra để họ đạt được yêu sách lớn nhất mà họ không bao giờ từ bỏ đó là đường biên giới chữ U – tức đường lưỡi bò, chiếm 85% diện tích Biển Đông.

Một yêu sách nữa, trong khu vực này là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là “Tây Sa” và họ đã từng công bố đường cơ sở bao quanh quần đảo này, lấy đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa làm cơ sở để tính ra các vùng biển mà họ nói là “thuộc” quần đảo này.

Hành động đó của Trung Quốc hoàn toàn sai so với Công ước Luật Biển 1982. Bởi vì, đây không phải là quốc gia quần đảo, và không có một quy định nào cho phép Trung Quốc quy định đường cơ sở bao quanh quần đảo. Việt Nam luôn xác định Hoàng Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, luôn tuân thủ quy định về quần đảo theo Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, hòn đảo nào có đời sống kinh tế riêng, thích hợp với đời sống con người thì có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Còn đối với những đảo nhỏ bé không có đời sống kinh tế riêng, không thích hợp với cuộc sống con người thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý.

Điều này, trên thực tiễn pháp lý quốc tế đã có nhiều vụ án đề cập rất nhiều. Cho nên, nếu như chúng ta không giải thích rõ cho dư luận và những người có trách nhiệm biết được tính chất, bản chất của vấn đề thì có thể gây ra hiểu nhầm, thậm chí là mắc bẫy của Trung Quốc. Cái bẫy đó gồm 2 mục đích:  Một là toàn bộ vùng biển nằm trong vùng lưỡi bò; Thứ hai là các vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, tạo ra sự  chồng lấn với vùng hoàn toàn thuộc về  Việt Nam, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp.

Đấy là những điều mà chúng ta cần hiểu để khi chúng ta có tuyên bố, có những văn bản pháp lý thì chúng ta cần phải thận trọng.

Tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để đưa giàn khoan ra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Qua nghiên cứu của tôi, có thể nói Trung Quốc có tính toán. Thứ nhất, như chúng ta đã biết là hiện nay cả thế giới đang hướng vào điểm nóng là Ukraina. Nhiều chuyên gia nhận định đây là một sự tranh giành, một ngòi nổ thậm chí có người nói đó là một cuộc chiến tranh mới. Cho nên, Trung Quốc lợi dụng tình hình này.

Thứ hai, Mỹ là đối thủ mà Trung Quốc luôn phải tính toán, nên tùy theo động thái của Mỹ mà Trung Quốc có thể bất chấp tất cả để có thể thực hiện được bước đi này.

Trong khu vực, mặc dù có những bước tiến mới trong việc thống nhất đưa ra quan điểm, dự thảo như  COC, nhưng không có nghĩa là đã có một tiếng nói thống nhất. Sự tính toán của các nước trong khu vực, đã có những mầm mống của sự không được thống nhất về việc này. Trung Quốc cũng đã làm phép thử đối với ASEAN qua vụ bãi cạn Scarborough và họ đã thành công.

Sau một thời gian tình hình Biển Đông có vẻ như “yên lặng”, Trung Quốc lại đưa ra sự kiện 2/5. Theo ông, sự kiện này có phải là đột biến hay không?

Như tôi đã nói, sự việc này là một sự tính toán của Trung Quốc cả về thời điểm, vị trí và địa điểm. Tuy nhiên, vấn đề này có phải là một sự đột biến mới hay không? Tôi nghĩ là không phải. Vấn đề là trước đây, công tác truyền thông, cách xử sự và ứng phó của các nước liên quan một cách trực tiếp hay gián tiếp tạo ra cảm giác rằng: Trung Quốc đang có những hành sự khéo léo hơn và có thể nói đang có một bước xuống thang. Thực chất của vấn đề không phải như vậy. Trung Quốc đang tiếp tục và sẽ không bao giờ ngừng kể cả trên rất nhiều lĩnh vực.

Theo ông, hành động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Biển Đông hiện nay?

Rõ ràng với hoạt động này, nếu Trung Quốc thực hiện được thì đây là một sự đột phá hết sức lớn và họ sẽ tiếp tục làm mạnh hơn nữa, vi phạm trắng trợn hơn nữa đến các vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của các nước trong khu vực chứ không chỉ Việt Nam. Đặc biệt, họ sẽ nhằm vào các lĩnh vực có lợi ích kinh tế lớn như dầu khí, và không chỉ Việt Nam mà Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei đều có thể phải hứng chịu những hoạt động của Trung Quốc.

Trước những hành động này của Trung Quốc, theo nghiên cứu của ông, thông thường tiền lệ quốc tế, các nước bị xâm phạm sẽ phải làm gì để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán?

Trước hết, những quốc gia bị vi phạm lợi ích trực tiếp phải có một thái độ trên rất nhiều lĩnh vực cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những tuyên bố phát ngôn mà cần có những công hàm mạnh mẽ hơn nữa gửi công hàm và lưu trữ tại các tổ chức quốc tế.

Về phía pháp lý, cũng cần phải có những bước mạnh mẽ hơn chứ không thể dừng lại ở những tuyên bố về nguyên tắc.

Những hoạt động của Trung Quốc vi phạm Công ước về Luật biển năm 1982 cho nên cần có những bước cụ thể, có tính toán để nhờ các cơ quan Tài phán Quốc tế phân xử. Mặc dù thủ tục hết sức phức tạp, nhưng cần phải làm ngay.

Ngoài ra, về công tác truyền thông không nên chạy theo sự kiện, cần phải có những bài báo có những bước đi và tính toán cụ thể. Nhằm giúp cho các bên liên quan hiểu rõ quan điểm, thiện chí, lập trường của mình và có những ứng xử cần thiết. Nếu trong tình hình này truyền thông cứ chạy theo các sự kiện, các bên liên quan sẽ không hiểu được lập trường chính nghĩa, cái đúng đắn của Việt Nam thì tiếng nói ủng hộ sẽ rất hạn chế, thậm chí gây ra những hiểu nhầm, bất lợi.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn, các lực lượng cần tính toán vì đây không còn là chuyện thăm dò mà rõ ràng nó đã đi vào thực tế và nó đã vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang