Truyền thông khoa học công nghệ: Dù khó khăn vẫn đam mê

author 11:39 11/12/2015

(VietQ.vn) - Dù có nhiều khó khăn nhưng cộng đồng những người làm truyền thông khoa học công nghệ nói chung và ở Bộ KH&CN nói riêng rất đam mê công tác truyền thông khoa học công nghệ.

Đây là nội dung chính của buổi hội thảo Nâng cao hiểu biết của công chúng về khoa học công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sáng nay (11/12) tại Hà Nội.

Truyền thông khoa học công nghệ

Truyền thông khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của đất nước

Truyền thông khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuyển tải các chính sách, kiến thức, các kết quả của nghiên cứu khoa học đến cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Hiện tại, ở Việt Nam, mạng lưới truyền thông khoa học công nghệ được trải ra khắp đất nước.

TS. Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông cho hay, trong hệ thống truyền thông khoa học công nghệ, đóng vai trò quan trọng là các cơ quan thông tấn báo chí. Ngoài ra, ở các bộ, ngành và mỗi một khu vực đều có những cơ quan, đơn vị làm truyền thông khoa học công nghệ. Ví dụ, ở Bộ Khoa học Công nghệ, có tới 6 cơ quan báo chí và 40 website của các đơn vị. “Với các cơ quan thông tấn báo chí, Bộ KH&CN có hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là hội nhà báo Việt Nam. Hệ thống báo chí ở Việt Nam rất phong phú, có đến 18.000 nhà báo, có câu lạc bộ truyền thông về khoa học công nghệ, nhiều tờ báo có chuyên mục khoa học công nghệ và nhiều tờ chuyên về khoa học công nghệ. Ở Bộ KH&CN có trung tâm truyền thông về khoa học công nghệ, có Cục thông tin Khoa học công nghệ quốc gia, có 6 báo và tạp chí”, TS. Nguyễn Xuân Toàn nói.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Xuân Toàn, Bộ KH&CN hàng năm tổ chức rất nhiều chương trình, sự kiện truyền thông khoa học công nghệ như giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, giải thưởng báo chí viết về khoa học công nghệ, Techmart, tuần lễ truyền thông về khoa học công nghệ, các lớp tập huấn về truyền thông khoa học công nghệ…

Nhận định Việt Nam là một quốc gia rất quan tâm đến khoa học công nghệ nói chung và truyền thông khoa học công nghệ nói riêng, ông Toss Gascoigne, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của mạng lưới truyền thông quốc tế về truyền thông khoa học công nghệ (PCST) cho hay, chỉ có một số nước, trong đó có Việt Nam mới có Luật về Khoa học Công nghệ. Các chính phủ trên thế giới đều coi khoa học công nghệ là một vũ khí rất mạnh để xoay vần thế giới và làm thế nào để khai thác khoa học công nghệ theo chiều hướng tốt nhất để phục vụ cuộc sống nhân loại. Theo đó, cách thức truyền thông khoa học công nghệ rất đơn giản là gặp gỡ cộng đồng, tổ chức các chiến dịch truyền thông để tạo ra những khẩu hiệu, pano, áp phích trong cộng đồng…Một trong những kỹ năng là cần thay đổi phương thức, tiếp cận đến những người nông dân cụ thể đang làm việc trên đồng quê để thay đổi thói quen sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cao như nào để làm thu nhập tốt và cuộc sống tốt hơn.

Hiện, mạng truyền thông khoa học công nghệ quốc tế không phải là cơ quan của Chính phủ mà là tổ chức tư nhân do 28 thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau điều hành. Cứ 2 năm một lần, mạng lưới này tổ chức hội nghị quốc tế ở các quốc gia khác nhau. Năm 2020, mạng lưới có kế hoạch tổ chức ở Italia với khoảng 400 – 500 đại biểu truyền thông khoa học công nghệ từ khắp nơi trên thế giới về dự. “Chúng tôi rất muốn Việt Nam tham gia vào mạng lưới quốc tế về truyền thông khoa học công nghệ. Qua mạng lưới truyền thông quốc tế chúng tôi có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cập nhật nhiều thông tin để update những kiến thức mới về truyền thông mà quốc tế đang làm”, ông Toss Gascoigne nói.

Bà Jenni Metcalfe, Giám đốc của “eConnect Ccommunication”, người đã làm nghề truyền thông được 26 năm, làm quản lý truyền thông khoa học công nghệ 6 năm cho rằng, làm sao các nhà truyền thông phải truyền bá được ý thức và niềm say mê khoa học. “Cần có những chính sách lôi cuốn mối quan tâm của quốc gia và quốc tế đến khoa học công nghệ. Những chính sách này phải can dự sâu sắc đến mối quan tâm về khoa học công nghệ trong cộng đồng”, bà Jenni Metcalfe nói.

Trước những ý kiến của ông Toss Gascoigne và bà Jenni Metcalfe, TS. Nguyễn Xuân Toàn cho rằng, tuy có những khó khăn nhưng cộng đồng những người làm truyền thông khoa học công nghệ nói chung và ở Bộ KH&CN nói riêng rất đam mê và quan tâm để làm sao công tác truyền thông khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, để hoàn thiện hoạt động truyền thông khoa học công nghệ, phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng, hoạt động nghiên cứu và đào tạo, hợp tác quốc tế…

“Hiện Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông khoa học công nghệ rất muốn tham gia vào các Tổ chức khu vực và thế giới ở lĩnh vực truyền thông về khoa học công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, nghiên cứu về truyền thông khoa học công nghệ”, TS. Nguyễn Xuân Toàn nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang