Từ “ca” Hào Anh

author 07:34 07/09/2014

Cái tin Hào Anh đánh đuổi mẹ ra khỏi nhà - ngôi nhà được xây bằng số tiền trợ giúp từ những người hảo tâm trong xã hội, khiến cộng đồng rùng mình và dư luận ồn lên với nhiều cảm thán đôi khi cực đoan.

Trên báo Tiền Phong điện tử, có những bình luận: “Đúng là loại con trời đánh báo hại cha mẹ. Không thể chấp nhận được loại người như này”; “Đề nghị lấy tiền giúp đỡ lại, anh ta không xứng mọi người quan tâm”.

Hào Anh

Bình tĩnh ngẫm lại, Hào Anh chính là sản phẩm của cách giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương, người có hoàn cảnh thiệt thòi trong xã hội ta hiện nay.

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, tổng thể việc này không tới nơi tới chốn. Trước đây Hào Anh được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau để học lại lớp 4. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Hào Anh xin được nghỉ để “đi làm giúp gia đình” và nhanh chóng được chấp nhận(?!).

Đây là đứa trẻ bị bạo lực, sang chấn tâm lý rất nặng nhưng chưa từng được chữa trị đầy đủ. Để cho đến nay, bà mẹ Hào Anh chỉ biết than rằng, hình như con mình “bị thần kinh” nên mới có những hành vi đáng sợ như vậy.

Từ chỗ cảm thương và trợ giúp bằng tiền không cần đắn đo, dường như hiện nay dư luận xã hội lại ngả sang một hướng cực đoan rằng Hào Anh là loại “trời đánh, không dạy được”, là loại “vô ơn bội nghĩa”… vv và vv. Rất ít người nghĩ, sau những trải nghiệm xấu, cuộc sống con người diễn ra như thế nào không chỉ phụ thuộc vào yếu tố cá nhân mà còn cả xã hội nữa.

Cách đây ít lâu, Hào Anh dính vào một nghi án trộm cắp. Có lỗi của em, nhưng lại có cả việc công an phường sở tại không cho người làm giám hộ và có hành động ép cung.

Báo chí lên tiếng và công an phải xin lỗi, nhưng lúc đó chưa ai quan tâm đến bước ngoặt tâm lý của đứa trẻ đang tuổi mới lớn, đang muốn khẳng định mình và manh nha hình thành xu hướng “trả thù đời”?

Xã hội cưu mang, ủng hộ tiền nhưng một đứa trẻ làm sao hiểu được đạo lý nếu không được chỉ dạy. Nó nghĩ nghiễm nhiên mình được hưởng, thậm chí nghĩ mình “làm ra” số tiền đó. Nó không nhận ra phải có trách nhiệm sử dụng số tiền cho đúng, cho tốt với chính cuộc đời nó.

Xã hội thiếu đi một cơ chế quản lý, giáo dục những đứa trẻ như Hào Anh, giúp cậu bé có trách nhiệm với người thân, cộng đồng, bước ra khỏi cám dỗ và những kẻ lợi dụng tiềm ẩn xung quanh. Thiếu giáo dục, thiếu sự gần gũi của những người hiểu biết, Hào Anh ăn chơi, hành động theo bản năng là điều khó tránh khỏi.

“Ca” Hào Anh cho thấy rõ thêm, vực dậy một con người phải bằng văn hóa, bằng giáo dục, bằng sự gần gũi cảm thông của những người hiểu biết.

Theo Tiền Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang