Ứng dụng công nghệ sinh học giúp năng suất chất lượng ngô vượt trội

author 06:31 14/08/2015

(VietQ.vn) - Kết quả trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Lào Cai cho thấy, năng suất ngô cao hơn, không bị sâu bệnh và không phải làm cỏ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Mặc dù là nước nông nghiệp, song mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng trên 5 triệu tấn ngô.

Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 năm tới tốc độ tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng này trung bình vẫn tăng 20%/năm. Do đó việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngô đồng thời thúc đẩy liên kết chuỗi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu đang được ngành nông nghiệp kỳ vọng lớn.

Ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc trong vụ đầu tiên ứng dụng thử nghiệm công nghệ sinh học giúp ngô có khả năng kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho thấy công nghệ mới này đang được nhiều phản hồi tích cực và sự chú ý của nông dân.

Không sâu bệnh, không tốn công làm cỏ

Những người nông dân sau vụ trồng thử nghiệm ngô biến đổi gen đầu tiên ở ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Lào Cai đều đánh giá cao về năng suất, chất lượng và mức độ dễ dàng hơn khi trồng loại ngô này so với ngô thường. Người nông dân hầu như không phải làm cỏ và phun thuốc trừ sâu, vừa tiết kiệm được chi phí vừa góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân và bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Ngọc Lê, tổ trưởng khuyến nông xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ chia sẻ sau một vụ mùa trồng thử ngô biến đổi gen DK6818: “Nếu như ngô bình thường phải làm cỏ 2-3 lần rồi mới phun thuốc diệt cỏ thì với ngô biến đổi gen không cần tốn công làm cỏ. Điều này sẽ tiết kiệm được 150.000 đồng/sào”.

Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Lê về quan điểm của một người làm công tác khuyến nông với giống ngô mới này, ông cho biết “Người nông dân chỉ lo việc không được trồng ngô biến đổi gen chứ không lo gì khác. Mặc dù nếu so sánh với ngô thường, giá giống ngô biến đổi gen có thể cao hơn nhưng chỉ xét riêng về việc có thể giảm được chi phí và công lao động thì đã thấy nông dân có lợi hơn rồi. Chưa kể đến giống mới này còn giúp nông dân bảo vệ cả mùa màng lẫn sức khỏe, rồi cải thiện năng suất. Minh chứng cụ thể là tại nương ngô chuyển gen này, chắc chắn chúng ta không tìm thấy một con sâu đục bắp nào trong khi nương ngô bên cạnh là giống ngô thường thì 10 bắp, có tới 4,5 bắp là bị sâu. Tôi nghĩ giống chuyển gen này sẽ bảo vệ năng suất cho người nông dân đến cùng.”

Ông Lưu Văn Trần, nông dân xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một người nông dân đã có kinh nghiệm trồng ngô tại địa phương 25 năm nay trên diện tích khoảng 1.700m2. Đến vụ này, ông Trần đã trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen mới. Ông Lưu Văn Trần chia sẻ: “Trước đến giờ, trung bình mỗi vụ tôi thu được 8 – 9 xe bò, ngô thu được dùng chủ yếu cho chăn nuôi trong gia đình. Đến vụ ngô này, vẫn diện tích ấy, tôi thu được 14 xe bò, nghĩa là gấp rưỡi so với bình quân mọi năm. Trong quá trình canh tác thì giảm được rất nhiều sức người sức của. Canh tác giống ngô mới này tôi giảm được công làm cỏ từ 6 ngày công xuống chỉ còn hai giờ công phun thuốc cỏ, cũng không cần phải phun thuốc sâu hay lo sâu cắn phá”.

Ngô biến đổi gen

Người nông dân tại Phú Thọ phấn khởi vì một vụ ngô được mùa

Đánh giá về chất lượng hạt ngô giống mới, ông Trần cho hay, chất lượng hạt ngô giống mới tốt hơn, ngô không bị mốc thối do sâu đục bắp và nặng hạt hơn. Ông Trần hồ hởi nói: “Xe chở ngô năm nay nặng đến mức vẫn cái xe thồ ngô như mọi năm nhưng con bò nó thấy nặng, nó chối không muốn kéo, người phải vào đẩy hộ”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Vân, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho biết, vụ này chị tham gia trồng thử nghiệm  2 sào (720m2) ngô biến đổi gen, năng suất đạt 2,3 tạ/sào. Dù năng suất tăng không nhiều nhưng đáng nói, ưu điểm của ngô biến đổi gen là kháng sâu rất tốt, đặc biệt là sâu đục thân, nông dân giảm được công chăm sóc. “Trồng ngô lai, bình thường mỗi vụ ngô chúng tôi phải đánh 3 lần thuốc, nhưng vụ này trồng ngô biến đổi gen không cần phun thuốc nhưng cũng không thấy sâu, công chăm sóc theo đó cũng nhàn đi rất nhiều. Chúng tôi rất mong muốn Bộ NN&PTNT nhanh chóng đưa loại giống này vào sản xuất, giúp bà con nông dân tiết kiệm nhân lực, năng suất cao”, chị Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, khu 3 xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ nói: “Trồng giống ngô biến đổi gen này thì chỉ cần tra hạt, phun cỏ một lần rồi phân gio như bình thường, không cần phải lo lắng gì nhiều. Một trong những ưu điểm tôi nhận thấy là giúp giảm công lao động từ lúc làm cỏ đến phun thuốc. Việc giảm công lao động ở những vùng neo người như nông dân chúng tôi rất quan trọng. Gia đình tôi các con đều đã đi làm bên ngoài, hai ông bà ở nhà trông cháu và làm ruộng, giảm công lao  động giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí cũng như có nhiều thời gian cho các việc khác trong gia đình hơn. So sánh với các vụ trước thì đến tầm này lần đầu tiên chúng tôi thấy có hiệu quả hơn mà làm nhàn hơn ngô bình thường. Ước lượng mọi vụ trước trồng mà được 10 thì đến khi thu sẽ được 12 – 13”.

Mong muốn nhanh đưa ngô biến đổi gen vào sản xuất đại trà

Như vậy, nhìn chúng ngô biến đổi gene ít sâu bệnh, năng suất cao hơn nhưng hiện tại, giá ngô giống đang được bán hơi cao. Giá ngô giống biến đổi gen của Công ty Sygenta cung cấp từ 200.000-210.000 đồng/kg, trong khi, giống ngô bà con mua ở Viện ngô là 70.000-140.000 đồng/kg.

Cho rằng giá thành giống như trên là đắt, chị Vân bày tỏ: “Nhà sản xuất có cách nào có thể giảm giá ngô giống xuống, chứ giá ngô giống biến đổi gene như vậy thì đắt quá”.

Thu hoạch ngô biến đổi gen

Nhanh chóng đưa ngô biến đổi gen vào sản xuất đại trà là mong muốn của người nông dân

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cảnh Cũng thì lại cho rằng, cá nhân ông không lo về việc giá giống hay phụ thuộc vì rõ ràng là giá giống thì chỉ có riêng tiền giống, trong khi mọi chi phí trong canh tác cây ngô đều giảm. Một điều quan trọng nữa là có năng suất hay không. “Cho đến thực tế giờ này thì tôi tin là có năng suất. Tôi không thấy có gì đáng phải lo cả”, ông Cảnh nói.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện hỗ trợ nông dân trồng ngô biến đổi gen với diện tích 5.000ha/năm. “Áp lực sâu bệnh, đặc biệt là sâu đục thân với cây ngô trên đồng đất Vĩnh Phúc rất lớn. Nhưng, đưa cây ngô biến đổi gen kháng sâu này vào, giảm áp lực về thuốc, về ô nhiễm môi trường cho nông dân rất lớn. Người nông dân thì không quan tâm đến giống ngô gì, biến đổi gen hay ngô lai, với họ chỉ quan trọng là năng suất và chi phí đầu vào giảm”, ông Dũng nhận định.

Tương tự, tại tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai mong muốn, cây ngô biến đổi gen nhanh chóng được đưa vào trồng thương mại, để nông dân sớm được tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hiện mỗi năm diện tích trồng ngô tại tỉnh này khoảng 36.500ha.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang