Ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa nâng cao chất lượng và ngăn chặn gian lận thương mại

author 06:06 08/02/2025

(VietQ.vn) - Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang ngày càng 'lũng đoạn' thị trường gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và thương mại hàng hóa. Các tiêu chuẩn quốc tế như: GS1, ISO 22005 đang trở thành thước đo chung để đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản... 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt. Không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, chất lượng sản phẩm còn là yếu tố then chốt để hàng Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Do đó trong dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất đưa vào các quy định mới liên quan đến việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa.

Một trong những giải pháp quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là ứng dụng công nghệ vào quản lý chất lượng. Trong đó, việc ứng dụng mã số, mã vạch được xem là một bước tiến đáng kể.

Ứng dụng công nghệ số vào truy suất nguồn gốc hàng hóa nhằm bảo vệ sản phẩm, hàng hóa khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Ảnh minh họa

Ông Phó Đức Sơn, Chủ tịch Hội mã số mã vạch Việt Nam cho biết, giải pháp truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR và hệ thống phần mềm được áp dụng xuyên suốt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiếp thị và phân phối, đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sản phẩm, hàng hóa khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Đây là yêu cầu cấp bách cho việc tự động hóa toàn bộ quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trong chuỗi chế biến, phân phối và minh bạch thông tin về thương hiệu hàng hóa, sản phẩm.

Ông Phó Đức Sơn mong muốn xây dựng một chuỗi thông tin đồng nhất, minh bạch và hiệu quả - một chuỗi không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Giải pháp truy xuất nguồn gốc cần gắn kết chặt chẽ với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Điều này không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững mà còn mở ra những cơ hội giao thương và hợp tác quốc tế, giúp sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp và chính sách cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tích hợp mã số mã vạch trong các quy trình quản lý chuỗi cung ứng để bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, sự minh bạch và khả năng kiểm chứng nguồn gốc sản phẩm là nền tảng để doanh nghiệp có thể khẳng định chất lượng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Ông Đinh Văn Hoàng đề xuất cần có những giải pháp công nghệ đột phá để liên kết hệ thống mã số mã vạch với các nền tảng số hiện đại, từ đó tạo ra cơ chế theo dõi và báo cáo minh bạch hơn cho chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Nhiều địa phương ứng dụng công nghệ số vào thực tế thành công

Liên quan tới việc ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng rất thành công. Ví dụ như theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tỉnh này đã tích cực triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành, đạt được những thành quả nhất định. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dán tem, nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.

Ông Phó Đức Sơn, Chủ tịch Hội mã số mã vạch Việt Nam.

Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với số lượng chăn nuôi luôn thuộc nhóm dẫn đầu. Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đang sử dụng nhiều phần mềm/cơ sở dữ liệu ngành trong nhiều lĩnh vực gồm: phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy lợi; thủy sản; lâm nghiệp; chăn nuôi và thú y. Các phần mềm phục vụ công tác thanh tra, tổ chức quản lý, xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Địa phương này đã triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật. Đồng Nai cũng đang tiếp tục xây dựng các dự án đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng để phục vụ chuyển đổi số. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chuyển đổi số được xác định là động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững.

Tại tỉnh Kiên Giang, bên cạnh mạnh tay xử lý các tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…Kiên Giang cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản thông qua hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT).

Việc triển khai hệ thống phần mềm eCDT giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý đội tàu, sản lượng cập bến của từng địa phương hiệu quả hơn, ngay cả các tàu đó cập cảng và bốc dỡ tại các cảng thuộc địa phương khác. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU.

Đánh giá kết quả bước đầu sau thời gian triển khai, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Kiên Giang Ngô Văn Lâm cho biết: “Việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản eCDT tạo điều kiện cho tàu cá xuất, nhập cảng nhanh chóng, xác nhận sản lượng, chứng nhận sản lượng cho doanh nghiệp cũng dễ dàng. Đối với Ban quản lý cảng cá tỉnh, việc áp dụng phần mềm này giúp rút ngắn thời gian xác nhận, chứng nhận và đáp ứng được nhu cầu cập cảng lên cá của các tàu cá”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang ông Lê Hữu Toàn cho biết, việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT đang trong quá trình vừa vận hành vừa chỉnh sửa nên sẽ gặp nhiều vướng mắc. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm eCDT cho ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp tại các cảng cá chỉ định; mở rộng cho các bến cá địa phương áp dụng hệ thống phần mềm eCDT để truy xuất nguồn gốc thủy sản.

 An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang