Về đất Tổ thưởng thức đặc sản

author 08:03 13/03/2013

(VietQ.vn) - Người Phú Thọ tự hào về thú ẩm thực rất dân dã của đất mình và chắc chắn đến với đất Tổ một lần bạn sẽ được những tấm lòng hiếu khách khoản đãi những món đặc sản rất dân dã này...

Bưởi Đoan Hùng

Nhắc đến những sản vật của vùng quê trung du Phú Thọ, ắt hẳn nhiều người nghĩ ngay đến loại trái cây đặc biệt này của vùng đất ngã ba sông: bưởi Đoan Hùng. Bưởi Đoan Hùng từ xưa đến nay luôn được biết đến không chỉ ở Phú Thọ mà tiếng thơm đã lan khắp muôn nơi, so với những giống bưởi nổi tiếng khác như bưởi Diễn, bưởi Năm Roi cũng không thua kém chút nào.

Bưởi Đoan Hùng vị ngọt lịm, tan nơi đầu lưỡi và thấm cái mát đến tận ruột gan, da thịt

Bưởi Đoan Hùng là loại cây trồng lâu năm, có quả hình cầu dẹt, quả chưa đầy 1 kg, chín màu vàng sáng, vỏ hơi héo, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, đặc trưng bởi hương vị thơm, ngon, ngọt, mát. Giống bưởi ở đây còn quý ở chỗ, có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, khi bổ ra, ăn vẫn ngọt, ngon như thường! Giống bưởi nối tiếng này đã được bảo hộ tên gọi xuất xứ và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn tại quyết định số 73/QĐ-SHTT.

Bưởi Đoan Hùng cũng như bao nhiêu đặc sản khác, chỉ có đất Đoan Hùng mới cho những trái bưởi thơm ngon được, và trên đất Đoan Hùng cũng chỉ có 2 vùng mà ở đó bưởi trở nên thơm ngon nhất, đó là bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân.

Có lẽ làm nên cái hồn cho Bưởi Đoan Hùng là hương bưởi, cái mùi thơm ngan ngát ấy thực khó diễn tả. Tết đến, xuân về trên bàn thờ tổ tiên mà có trái bưởi Đoan Hùng thì hương vị đặc biệt ấy sẽ làm cho không khí gia đình thêm ấm cúng. Bạn đừng quên chọn cho mình được một trái bưởi làng Chí, hay bưởi Sửu vào mùa hè để thưởng thức vị ngọt lịm, tan nơi đầu lưỡi và thấm cái mát đến tận ruột gan, da thịt.

Thịt chó Việt Trì thơm ngon

Mới nghe cái tên loại Đặc sản này, nhiều người chắc vừa lạ vừa buồn cười, Ở đâu chả có thịt chó, sao lại có thể là đặc sản riêng của một vùng nào đó được chứ? Nhưng cứ thử một lần rồi bạn sẽ thấy, Thịt chó Việt Trì rất khác, rất xứng đáng với cái tên Đặc sản Phú Thọ của nó

Cũng vẫn là bảy món đặc trưng như mọi nơi nhưng thịt chó Việt Trì lại có sức hấp dẫn rất riêng bởi hương vị đậm đà và khả năng chế biến đạt đến độ chuyên nghiệp. Chọn nguyên liệu được coi là khâu mấu chốt quyết định, không sử dụng những loại chó nuôi tăng trọng là đặc điểm quan trọng của thịt chó Việt Trì, đặc biệt chó nuôi gầm nhà sàn của các vùng dân tộc miền núi đã được trưng dụng và được thực khách sành ăn rất ưa chuộng, kế đến là khâu chế biến được coi là bí quyết gia truyền…

Thịt chó Việt Trì đã vượt qua khỏi cầu Việt Trì tiến về xuôi, từ Vĩnh Yên đến Hà Nội và còn nhiều nơi khác đã nhiều nơi treo biển “ Thịt chó Việt Trì”.

Với cảm nhận của người thưởng thức, có thể đưa ra một vài nhận xét như sau: Thịt mềm, thơm, không sẫm màu như một số vùng khác. Đặc biệt những món như dồi, món nướng không bị khô. Món chân chó tẩm hấp lại mang đến một dư vị đậm đà khó tả với màu vàng ngậy và độ mềm, thơm vừa tới. Món xương hầm đu đủ mang đến một cảm nhận khác về sản vật vùng trung du miền núi…

Người Việt Trì tự hào về thú ẩm thực rất dân dã của đất mình và chắc chắn đến Việt Trì một lần bạn sẽ được những tấm lòng hiếu khách khoản đãi món ngon này. Những cửa hàng này đều đã có trên dưới chục năm nay nhưng vẫn mang vẻ bình dị, dân dã vốn có bởi theo những chủ cửa hàng ở đây thì phòng ốc bóng nhoáng, bàn ghế sang trọng sẽ không còn là thịt chó Việt Trì.

Thịt chó Việt Trì với những “thương hiệu” nổi tiếng như: Đồng Quê, Thanh Bình, A Hoàn, … khách hàng ngày một đông, cẩu quán cũng nô nức khai trương. Thịt chó không chỉ là món ăn dân giã nữa mà đã leo lên hàng đặc sản được “Vua biết mặt, chúa biết tên”. Thịt chó Việt Trì đã vượt qua khỏi cầu Việt Trì tiến về xuôi, từ Vĩnh Yên đến Hà Nội và còn nhiều nơi khác đã nhiều nơi treo biển “ Thịt chó Việt Trì”.

Bánh tẻ mật

Mộc mạc như chính cái tên gọi, bánh tẻ mật được làm từ mật mía và bột gạo tẻ nhưng lại có một hương vị rất đặc biệt. Muốn học làm bánh chẳng khó vì loại bánh này không hề cầu kỳ chút nào, chỉ cần để tâm là có thể làm được.

Ở xã Đào Xá huyện Thanh Thủy năm nào cũng vậy cứ đến ngày Hội voi 28 tháng giêng âm lịch là nhân dân ở đây lại làm đủ các thứ bánh ngon mang đậm đà bản sắc quê hương để cúng tổ tiên và thờ Thành Hoàng làng. Bánh tẻ mật là một trong các thứ bánh ở đây đã để lại nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc nhất cho nhiều khách về dự hội.

 Bánh tẻ mật được làm từ mật mía và bột gạo tẻ nhưng lại có một hương vị rất đặc biệt.

Không rõ bánh tẻ mật ở Đào Xá có từ bao giờ chỉ biết là đối với người dân ở đây loại bánh này đã trở nên rất quen và là thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ thờ ở đình trong ngày hội làng. Ngoài xôi, chè, gà, hoa quả,… trêm mâm cỗ thờ bao giờ cũng có hai đĩa bánh tẻ mật để dâng cúng Thành Hoàng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bốn mùa ngô lúa tốt tươi, dân làng hòa thuận, đời sống ấm no hạnh phúc. Đây có lẽ cũng là một nét văn hóa rất riêng của Ẩm thực Phú Thọ

Để có bánh ngon theo kinh nghiệm của bà con ở đây là phải chọn thứ gạo tẻ nguyên chất, không được lẫn thứ gạo khác. Ngày xưa tốt nhất là thứ gạo ré trắng, nay là gạo bào thai, gạo CR.203 hoặc khang dân. Mật làm bánh là thứ mật mía đặc thơm và có màu đỏ tươi. Lá gói bánh phải là lá chuối khô còn lạt chằng là lạt giang tước mỏng. Cũng như bánh nẳng, bánh tẻ mật không gói nhân.

Sau khi đã chuẩn bị đủ, đem gạo đãi sạch để khô nước rồi cho vào cối giã hoặc nghiền thành bột rồi rây nhỏ 2 lần. Sau đó cho bột vào nồi hoặc xoong hòa đều với mật, nước theo tỷ lệ 1 bát nước 1 bát bột và cứ 1kg bột trộn với 0,7kg mật mía rồi cho lên bếp đun ráo bánh. Dùng đũa cái to khuấy đều đảm bảo cho nước, bột và mật hòa đều với nhau, khi nào bột đặc quánh lại, đậy vung kín cho xuống cửa bếp vần, thấy bột bánh chín trong đem ra gói thành từng cái như bánh giò, bánh chưng tày. Gói xong cái nào lấy lạt chằng ngay cái đó. Động tác của người gói bánh tẻ mật yêu cầu phải nhanh tay, nhẹ nhàng, khéo léo đảm bảo đến cái bánh cuối cùng bột vẫn còn nóng, có như vậy khi đồ bánh mới chín đều, mịn màng, óng mượt. Gói xong xếp ngay vào chõ bắc lên bếp đồ, khi nào hơi trong chõ bốc lên đều, ta thắp một nén hương theo dõi hương tàn là bánh chín.

Để bánh nguội hẳn, bóc ra lấy lạt giang tước nhỏ cắt thành từng lát dày độ 2 phân, bày 2 – 3 lượt lên đĩa tráng men trắng, trông từng lát bánh vàng óng, trong suốt như mật ong, tỏa mùi thơm mát, ngọt ngào hấp dẫn. Nhấm nháp chút một sẽ thấy bánh rắn chứ không dẻo rất lạ miệng, có vị mát của bột gạo tẻ, vị ngọt của mật mía và vị thơm của gừng quyện vào nhau tan trong miệng khiến người ta ăn hoài mà không thấy chán.

Thịt chua Thanh Sơn

Nhắc đến Đặc sản vùng đất Thanh Sơn – Phú Thọ chắc chắn người ta nhắc đến ngay món thịt chua rất riêng ở đây. Với hương vị và cách chế biến độc đáo riêng có của mình, thịt chua Thanh Sơn, đặc biệt là thịt chua vùng Phú Hà đã trở nên nổi tiếng không chỉ trên mảnh đất Phú Thọ mà dần trở thành đặc sản của cả nước.

Với hương vị và cách chế biến độc đáo riêng có của mình, thịt chua Thanh Sơn, đặc biệt là thịt chua vùng Phú Hà đã trở nên nổi tiếng 

Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại là cả một nghệ thuật, và nó thể hiện qua sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác, nghiêm ngặt.

Để có được món thịt chua hấp dẫn người ta dùng thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn đã được sơ chế sạch từ loại lợn lửng, một loại lợn địa phương được nuôi thả rông một năm chỉ đạt tới 15- 17 kg, có thịt săn chắc và thơm ngon, ít nước. Thịt được thái thành từng miếng thật mỏng, to hay nhỏ tùy thuộc sở thích, tuy nhiên miếng thịt vừa vặn trông sẽ ngon mắt hơn.

Thịt sau khi đã được làm sạch, thái miếng ướp một chút muối gia vị, thịt được nướng chín bằng than hoa trước khi làm, đảm bảo độ thơm ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó cho trộn đều với thính sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt. Thính được làm từ hỗn hợp ngô, gạo, đậu xanh, đỗ tương rang vàng xay nhỏ. Bí quyết tạo nên thành công cho món thịt chua chính là ở khâu rang thính. Thính rang phải đảm bảo yêu cầu chín kỹ, dậy thơm, vàng và không được để cháy.

Sau khi được trộn đều với thính, thịt được cho vào ống bương, ống tre để chứa đựng (tuy nhiên, hiện nay để tiện cho thương mại hóa sản phẩm người sản xuất thường dùng lọ nhựa). Lót lá ổi xuống dưới dụng cụ chứa đựng thành một hai lớp, lèn thật chặt thịt vào trong và phủ vài lớp lá ổi lên lớp thịt trên bề mặt dụng cụ chứa đựng, nén chặt bằng một vài nẹp tre gài chéo.

Khi làm xong người ta thường treo lên hoặc bảo quản ở những nơi cao ráo, thoáng đãng. Thời gian đảm bảo cho thịt lên men và dùng được là từ 04 – 05 ngày vào mùa hè, từ 05 – 07 ngày vào mùa đông.

Thịt để lên men có vị chua thơm ngon tự nhiên, không hề có chất bảo quản, không cho chất tạo men, 100% lên men chua chín tự nhiên.

Khi ăn miếng thịt khô, tơi, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng. Khi ăn thịt chua người ta thường ăn kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh , rau thơm .v.v… chấm kèm với tương ớt thêm chút hạt tiêu… thì mới cảm nhận được hết hương vị khá độc đáo, mới lạ từ món ăn đem lại.

Cùng với đặc sản Rêu đá, Thịt chua Thanh Sơn đã góp phần làm phong phú thêm nét phong phú của Ẩm thực Phú Thọ. Nếu có dịp qua miền Thanh Sơn – Phú Thọ các bạn đừng bỏ lỡ dịp thưởng thức món ngon này nhé.

Bánh Tai

Bánh tai Phú Thọ đã có từ rất lâu đời, nhưng chỉ những năm gần đây mới trở thành món quà quý lạ, thành một đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ đúng với giá trị của nó. Mời bạn cùng tìm hiểu đặc sản này cùng Trang tin Phú Thọ.

Nếu có dịp về Phú Thọ, các bạn đừng quên thưởng thức thứ bánh đặc trưng rất riêng này của vùng quê Đất Tổ

Món bánh tai Phú Thọ ngày xưa được gọi là bánh hòn tai, bánh nặn như hình con trai trai. Sau đó được gọi tắt là bánh tai vẫn kiểu dáng giống hình con trai nhưng dài hơn và nặn mỏng hơn cong cong như hình cái tai.

Bánh được làm bằng gạo tẻ trắng, dẻo và ráo. Gạo được ngâm trong nước 2 – 3 giờ mùa hè hoặc 4 -5 giờ vào mùa đông, sau đó đãi sạch, xay thành bột khô, cho muối vào nặn thành viên bột tròn đường kính 7-10cm. Sau đó, đem luộc bột 15 – 20 phút, vớt ra cho vào cối đảo, lèn đến khi bột dẻo và không dính tay.
Nhân bánh làm bằng thịt nạc vai băm nhỏ trộn với hành khô, hạt tiêu, mì chính, bột canh. Sau khi nặn xong xếp bánh vào nồi hấp 30 phút. Trong khi hấp để lửa thật to, nếu lửa nhỏ bánh sẽ không chín.

Nước chấm cũng khá quan trọng để tạo nên hương vị bánh, bao gồm nước mắm, đường, ớt, tỏi, chanh vị mặn và cay nhiều hơn.
Bánh tai ăn lúc nóng là ngon nhất. Thơm thơm, bùi bùi, béo béo. Khi ăn, bánh tai thơm mùi bột quyện trong mùi nhân thịt thơm ngầy ngậy, cắn từng miếng từ đầu chiếc bánh trong cùng có cảm giác dẻo, mát, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh sau khi xôi và bánh không dính vào nhau, tạo ra vị béo mà không ngán. Một thứ bánh đậm hương vị Ẩm thực Phú Thọ

Nếu có dịp về Phú Thọ, các bạn đừng quên thưởng thức thứ bánh đặc trưng rất riêng này của vùng quê Đất Tổ nhé

Trám

Trám có vị chua tính ấm, được phân làm hai loại là trám trắng (còn gọi là trám xanh) và trám đen. Trám đen để kho thịt, còn trám trắng kho cá là “đúng bài” nhất, bởi trám trắng có vị chát sẽ làm mất đi mùi tanh của cá. Trước khi đem trám kho với thịt hay cá, người ta phải “om” trám - tức là ngâm trám trong nước nóng già để tách riêng phần cùi và phần hạt. Phần cùi của quả trám đem kho chung với thịt ba rọi hoặc các loại cá sông sẽ có mùi vị ngon rất đặc trưng.

Trám kho với cá là món "tốn cơm"

Dùng cá hay thịt kho trám ăn với cơm trắng, miếng trám bùi, ngậy, thấm nước mắm ngon dậy lên mùi thơm đậm đà thường được gắp hết trước thịt, cá. Khách còn có thể mua trám tươi hay trám ngâm muối về để thưởng thức. Quả trám được chế biến rất phong phú như xào với thịt hoặc trộn lẫn với thịt bằm, hành lá và nấm mèo -hấp thành một món ngon đãi khách. Nhưng cách ăn trám đơn giản nhất là om xong rồi đem chấm với muối vừng (mè) ăn chơi.

Đến thăm đất Tổ, ghé các tiệm ăn ở TP Việt Trì, bạn đừng bỏ qua cơ hội gọi món thịt hoặc cá kho trám. Trám là loại trái mọc trên cây to, có khi cao hơn mười mét. Để hái trám, người ta đóng một số chiếc đinh lớn vào phần gốc cây, ngày hôm sau, những quả trám tươi ngon sẽ rụng đầy xuống dưới gốc.

Trám có vị chua tính ấm, được phân làm hai loại là trám trắng (còn gọi là trám xanh) và trám đen. Trám đen để kho thịt, còn trám trắng kho cá là “đúng bài” nhất, bởi trám trắng có vị chát sẽ làm mất đi mùi tanh của cá. Trước khi đem trám kho với thịt hay cá, người ta phải “om” trám - tức là ngâm trám trong nước nóng già để tách riêng phần cùi và phần hạt. Phần cùi của quả trám đem kho chung với thịt ba rọi hoặc các loại cá sông sẽ có mùi vị ngon rất đặc trưng. Dùng cá hay thịt kho trám ăn với cơm trắng, miếng trám bùi, ngậy, thấm nước mắm ngon dậy lên mùi thơm đậm đà thường được gắp hết trước thịt, cá. Khách còn có thể mua trám tươi hay trám ngâm muối về để thưởng thức. Quả trám được chế biến rất phong phú như xào với thịt hoặc trộn lẫn với thịt bằm, hành lá và nấm mèo -hấp thành một món ngon đãi khách. Nhưng cách ăn trám đơn giản nhất là om xong rồi đem chấm với muối vừng (mè) ăn chơi.

Ngọc Anh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang