Việt Nam xuất khẩu chuối lớn nhất vào thị trường Trung Quốc, cần kiểm soát chất lượng hơn nữa

author 05:11 29/08/2024

(VietQ.vn) - Trong nửa đầu năm nay, Việt Nam là nước cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Đã có 420 nghìn tấn chuối của Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần một nửa lượng chuối nhập khẩu vào thị trường này.

Kể từ khi Việt Nam chính thức ký kết nghị định thư xuất khẩu chuối tươi với Trung Quốc vào ngày 1/11/2022, hoạt động xuất khẩu chuối tươi của Việt Nam sang thị trường tỉ dân này liên tục phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã chi hơn 486 triệu USD để nhập khẩu 957.000 tấn chuối. Đáng chú ý, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu chuối từ các thị trường như Việt Nam, Ecuador, Lào, Mexico và Thái Lan, trong khi giảm lượng nhập khẩu từ Philippines và Campuchia.

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu chuối nhiều nhất, đạt 420.000 tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng chuối Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cao gần gấp đôi so với nước đứng thứ hai là Philippines (222.000 tấn) và vượt xa các nguồn cung khác như Ecuador (123.000 tấn), Campuchia (131.000 tấn), Lào (49.000 tấn), Mexico (7.000 tấn)…

Trong khi tăng mua chuối Việt Nam thì Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu chuối từ Philippines. Trong nửa đầu năm nay, lượng chuối Philippines nhập khẩu vào Trung Quốc giảm tới 39,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch bệnh đang khiến cho sản lượng chuối Philippines giảm mạnh. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến cho lượng chuối Philippines vào thị trường Trung Quốc giảm quá nhiều trong nửa đầu năm nay. Dịch bệnh cũng khiến cho giá chuối của Philippines có xu hướng tăng cao. Nếu như trong 2 tháng đầu năm nay, giá bình quân của chuối Philippines nhập khẩu vào Trung Quốc là 524 USD/tấn, tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá bình quân đã lên tới 547 USD/tấn.

Ngược lại, chuối Việt Nam lại có chất lượng vượt trội, giá cả cạnh tranh hơn và lợi thế lớn nhờ vận chuyển nhanh chóng qua biên giới chung với Trung Quốc. 

Ảnh minh họa

Không chỉ vượt qua Philippines, mà so với quốc gia đứng thứ 3 là Ecuador, chuối Việt Nam chỉ mất khoảng 2 ngày để đến các chợ đầu mối tại Trung Quốc. Trong khi đó, chuối từ Ecuador phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tại Biển Đỏ, làm tăng thời gian giao hàng lên đến 2 tuần so với trước đây.

Dự báo, giá trị xuất khẩu chuối Việt Nam năm nay có thể đạt gần 400 triệu USD, tăng 20% so với năm 2023. Tuy nhiên để giữ vững vị trí xuất khẩu chuối số 1 tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ vùng trồng, duy trì ổn định chất lượng, mẫu mã, đặc biệt không để lây lan bệnh Panama trên diện rộng.

Kiểm soát chất lượng chuối xuất khẩu

Để đạt được kết quả trên, doanh nghiệp đã cùng liên kết với bà con nông dân trong khâu trồng chuối, người nông dân yên tâm sản xuất đúng tiêu chuẩn, năng suất cao mà không phải lo khâu bán hàng. Thị trường ngày càng bền vững, việc trồng theo đúng tiêu chuẩn đã lấy được lòng tin của khách hàng và tệp khách hàng ngày càng nhiều hơn. Do đó, cùng với diện tích hiện có, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thêm vùng trồng tại: Long An, Tây Ninh, Bình Dương, nâng sản lượng lên hàng chục nghìn tấn.

Kết quả có được là nhờ doanh nghiệp có những tệp khách hàng ổn định, thu mua khoảng 60-70% sản lượng chuối mà doanh nghiệp trồng ra. Giá ký kết với khách hàng là căn cứ để doanh nghiệp thu mua chuối cho bà con. Vì vậy, đầu ra của bà con luôn có lời.

Trồng chuối xuất khẩu, yếu tố quan trọng là quy trình sản xuất, doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm soát được mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc này không chỉ đi các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc mà ngay cả Trung Quốc. Chỉ cần dư lượng ở ngưỡng xấp xỉ mức dư lượng tối đa cho phép là phía khách hàng sẽ phản hồi. Đây là câu chuyện phải hết sức lưu ý.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng chuối cả nước khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm. Năm 2021, chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long, xoài. Tuy nhiên, đến nay, vị trí này đã có sự thay đổi và nhường ngôi cho các trái cây khác, trong đó có sầu riêng.

Hàng năm, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỉ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho hay, mỗi thị trường xuất khẩu có tiêu chí riêng, có những thị trường thông tin minh bạch, nhưng cũng có thị trường thông tin không minh bạch, do đó, rủi ro không phải là không có.

Xuất khẩu rau quả nói chung, trái chuối nói riêng không chỉ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu mà còn phụ thuộc vào chính đơn vị sản xuất. Nếu đơn vị sản xuất làm đúng tiêu chuẩn thì dù thị trường có khó khăn nhưng các đơn vị mua hàng vẫn chọn doanh nghiệp.

Theo ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, làm nông nghiệp, sản lượng doanh nghiệp có thể quyết định nhưng đôi khi lại phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai. Trong khi giá bán lại phụ thuộc đối tác khách hàng, do đó, việc tăng doanh thu, doanh nghiệp khó quyết định được. Giải pháp được doanh nghiệp đưa ra đó là một phần ổn định thị trường và ổn định giá thu mua và giá bán, hai yếu tố này giúp doanh nghiệp chắc chắn có lời, phần còn lại doanh nghiệp 'lướt sóng', như vậy, doanh nghiệp sẽ không quá rủi ro. Hay nói cách khác, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giúp doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển trong việc kinh doanh và xuất khẩu với loại trái cây này.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang