Mua máy lọc nước, người dùng cần cảnh giác trước những chiêu trò ‘thổi phồng’ sản phẩm
Cần thiết xây dựng tiêu chuẩn dược liệu từ sản phẩm đinh lăng
Xử lý hơn 35.500 vụ gian lận thương mại trong 8 tháng
Sun Property ra mắt Đô thị thời đại - Sun Urban City tại Phủ Lý, Hà Nam
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi, người tiêu dùng có xu hướng đổ xô đi mua các sản phẩm máy lọc nước với mong muốn có được nguồn nước sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối cũng đã nhanh chóng tung ra thị trường nhiều sản phẩm máy lọc nước với mẫu mã, chủng loại, xuất xứ và giá cả đa dạng. Tuỳ theo điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng, người dùng có thể chọn mua những sản phẩm có mức giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Không thể phủ nhận, việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường máy lọc nước đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về hàng hoá, thúc đẩy tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, mặt trái của sự đa dạng này là việc chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh và cả những “chiêu trò” lừa dối người tiêu dùng để thoả mãn tham vọng về doanh thu. Trong đó, việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng máy lọc nước trên thị trường đang là một vấn đề gây nhức nhối trong dự luận.
Quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT
QCVN 6-1:2010/BYT được Bộ Y tế ban hành để quản lý chất lượng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai, không áp dụng cho đối tượng là các máy lọc nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm máy lọc nước được quảng cáo đã đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT và gắn logo, tem với nội dung thể hiện rằng sản phẩm đã được chứng nhận theo QCVN 6-1:2010/BYT. Việc làm này rất dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, bởi QCVN 6-1:2010/BYT không dành cho máy lọc nước, và hiện tại chưa có cơ quan nào cấp chứng nhận bởi QCVN 6-1:2010/BYT cho máy lọc nước.
Liên quan tới vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm cho biết, QCVN 6-1:2010/BYT không áp dụng cho sản phẩm máy lọc nước, do đó, việc quảng cáo sản phẩm máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT là không phù hợp và khiên cưỡng.
Vị chuyên gia nói thêm, trường hợp doanh nghiệp tự mang mẫu nước sau lọc đi thử nghiệm theo các chỉ tiêu của QCVN 6-1:2010/BYT sau đó tuyên bố đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT cũng là sai quy định.
Lõi lọc có khả năng diệt vi khuẩn, virus tới 99,9%?
Lõi lọc là bộ phận quan trọng nhất của sản phẩm máy lọc nước, quyết định tới chất lượng nước đầu ra. Trong bối cảnh thị trường máy lọc nước đa dạng cả về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và công nghệ, lõi lọc nước cũng được chia làm nhiều loại. Mỗi loại lại có thiết kế và công dụng lọc nước khác nhau.
Hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên, một số thương hiệu máy lọc nước đang quảng cáo các sản phẩm lõi lọc nước có khả năng diệt vi khuẩn, virus, lọc cặn bã, tạp chất, thậm chí cả thuốc trừ sâu tới 99,9%. Tuy nhiên, một số thương hiệu lại không đưa thông tin rõ ràng cùng bằng chứng khoa học về công dụng này của máy lọc nước.
Do đó, người tiêu dùng không thể biết rõ liệu máy lọc nước có thể tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn, virus ở mức 99,9% hay chỉ tiêu diệt được một số loại virus, vi khuẩn nhất định?
Biến nước uống lọc thành ‘thần dược’ chữa bệnh
Ngoài việc đánh vào tâm lý của người dùng có nhu cầu sử dụng nước sạch, một số đơn vị phân phối máy lọc nước còn đẩy mạnh quảng cáo các dòng máy lọc nước có chức năng tạo nước ion kiềm.
Theo những quảng cáo được các thương hiệu máy lọc nước đăng tải, nước ion kiềm có thể phòng ngừa các bệnh về đường ruột; ngăn ngừa lão hóa, kéo dài tuổi thọ; trung hòa axit dư trong cơ thể, loại bỏ vi khuẩn; thanh lọc cơ thể tối ưu…
Thậm chí, có nội dung quảng cáo còn cho rằng nước ion kiềm có thể điều trị bệnh ung thư. Sản phẩm nước ion kiềm vì thế được nhiều người tin tưởng và mua dùng. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm máy lọc nước ion kiềm cũng nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo Bác sĩ chuyên khoa II Phan Tất Khánh Dương (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn), nước ion kiềm là nước có độ pH khoảng 8,5 - 9,5, dùng trực tiếp mà không cần đun sôi. Bác sĩ Dương cho biết, nước ion kiềm đóng chai có chất điện giải, tốt cho cơ thể, nhưng không phải là thuốc. Vì vậy, loại nước này không thể giúp chữa bệnh. Lợi ích nước ion kiềm mang lại cho sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, một số tác hại do việc uống nước ion kiềm quá nhiều có thể kể đến như rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa (độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường) gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn ói, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, với căn bệnh ung thư thì cơ thể không thể tự chữa lành được, tuy nhiên cơ thể chúng ta luôn có một hệ thống miễn dịch để chống lại sự tiến triển của căn bệnh đó. Nếu cơ thể duy trì được tình trạng dinh dưỡng tốt, một tinh thần lạc quan, kết hợp với các phương pháp điều trị có cơ sở khoa học thì đó là cách tốt nhất để điều trị ung thư.
“Còn về nước kiềm thì chỉ như nước uống thông thường, có thể cung cấp nước và khoáng chất cần thiết. Một số người cho rằng có thể giúp cân bằng pH bằng cách uống nước kiềm để giảm sự axit hóa trong cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể có khả năng điều chỉnh pH một cách hiệu quả. Cho đến nay thì cũng chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy nước kiềm có thể ảnh hưởng đến pH cơ thể một cách đáng kể", bác sĩ PGS.TS Tuấn cho hay.
Có thể thấy, tình trạng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm máy lọc nước đang diễn ra khá phổ biến trong thực tế. Điều đòi hỏi người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua sản phẩm, tránh tình trạng 'tiền mất, tật mang'. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp để quản lý hoạt động quảng cáo máy lọc nước, tránh tình trạng những thông tin sai sự thật xuất hiện tràn lan.
Theo Báo Công thương