Vụ ngư dân Kiên Giang bị bắn chết: Hành vi của chấp pháp Thái Lan là vô nhân đạo

author 10:48 18/09/2015

(VietQ.vn) - Hành vi tấn công, bắn chết ngư dân của lực lượng chấp pháp Thái Lan là vô nhân đạo và đáng phải lên án.

Thái Lan vừa lên tiếng thừa nhận, chiếc xuồng Composite có trang bị vũ trang tấn công 6 tàu cá của ngư dân Kiên Giang làm 1 người chết, 2 người bị thương là của lực lượng cảnh sát biển nước này. Liên quan đến thông tin trên, ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam (thuộc Tổng cục Thủy sản) cho biết, Cục Kiểm ngư mới tiếp nhận thông tin nhưng thông tin chính thức bằng đường văn bản thì chưa nhận được.

Phía cảnh sát biển Thái Lan cho rằng, 6 tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền Thái Lan không phải Malaysia. Ông Lưu Văn Huy cho hay, hiện Bộ đội biên phòng Kiên Giang đang điều tra, xác minh chính xác lại tọa độ.

Bắn chết ngư dân

Ngư dân Kiên Giang - Ngô Văn Sinh bị lực lượng chấp pháp của Thái Lan bắn chết - Ảnh K.Nam/Tuổi trẻ.

Bày tỏ quan điểm về vụ việc, ông Lưu Văn Huy nói: “Dù 6 tàu cá của ngư dân Kiên Giang đánh bắt vi phạm vùng biển của Thái Lan hay nước nào thì lực lượng chấp pháp nước đó cũng không có quyền dùng vũ trang để tấn công trực diện vào ngư dân, gây thương vong cho ngư dân. Cục Kiểm ngư phản đối việc làm này của lực lượng chấp pháp Thái Lan, hành vi này là vô nhân đạo và đáng phải lên án”.

Ngày hôm qua (17/9), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc và yêu cầu phía Thái Lan điều tra. Đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết phía Thái Lan đã nhận được những thông tin liên quan và đang khẩn trương xác minh vụ việc. Đồng thời cho biết sẽ sớm có thông báo chính thức về kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất.

Sau khi vụ việc chiếc xuồng lạ có trang bị súng 12,7mm tấn công đội tàu cá của ngư dân Kiên Giang làm 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương hôm 11/9 vừa qua, lực lượng cảnh sát biển Thái Lan chính thức thừa nhận vụ nổ súng. Thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn, người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển Thái Lan, ngày 16/9 cho biết, ông không nắm được con số thương vong. Ông này cũng cho rằng, Cảnh sát biển Thái Lan phải phòng vệ khi tàu của họ bị bao vây bởi những tàu cá Việt Nam “gây hấn cố đâm vào tàu của họ”. “Chúng tôi không có ý định giết chết bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ bắn cảnh cáo, ở vị trí cách các tàu Việt Nam khoảng 100m. Chúng tôi chỉ nhắm bắn vào đầu tàu. Tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển Thái Lan, cảnh sát phải bắt giữ họ”, ông Yeesakhorn nói.

Tuy nhiên những thông tin của cảnh sát Thái Lan đưa ra lại trái ngược với lời khai của các ngư dân Việt Nam. Được biết, từ 1/7/2015 Thái Lan đã thay đổi luật quản lý liên quan đến vùng biển của họ, đồng thời thành lập Trung tâm chỉ huy chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Tuy nhiên, dù luật pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng không được tấn công, bắn giết ngư dân, chỉ áp dụng hình thức xua đuổi hoặc trấn áp bắt giữ, xử lý theo quy định luật pháp của mỗi nước. 

Theo TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, dù vùng biển đó thuộc Thái Lan hay vùng chồng lấn, theo Công ước Luật Biển, cách hành xử nổ súng như lực lượng chấp pháp Thái Lan đã làm với tàu cá Việt Nam là đi ngược lại những quy định và luật pháp quốc tế. Không có quy ước nào cho phép nổ súng trước khi có những hành động xác định tội danh. Nếu có những vi phạm trên vùng biển, trước khi đưa ra tòa án xét xử để phân định tội danh và mức hình phạt, không lực lượng nào được phép có các hành động bạo lực, bắt bớ và tịch thu tàu, cá… Những điều nói trên không chỉ đi ngược lại với những quy định trong quan hệ dân sự của các quốc gia, trái với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển mà còn trái với đạo đức và văn hóa ứng xử trên quốc tế, chưa kể đến là văn hóa ứng xử giữa các quốc gia láng giềng.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang