Vượt qua đại dịch SARS, Alibaba thành công ty 470 tỷ USD như thế nào?

authorKhánh Hồng 11:20 02/04/2020

(VietQ.vn) - Dịch SARS từng đe dọa sự sống còn của Alibaba. Đây là cách mà hãng đã vượt qua để trở thành một công ty trị giá 470 tỷ USD.

Khi đại dịch coronavirus COVID-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu, Alibaba chắn hẳn sẽ thấy điều gì đó quen thuộc. Trong một cuộc họp hàng quý vào tháng Hai, Giám đốc điều hành của Alibaba - Daniel Zhang cho biết, COVID-19 sẽ tạo ra những thách thức trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh doanh của Alibaba, nhưng đồng thời, cũng có thể tìm thấy cơ hội trong đó.

Lời nói của vị Giám đốc điều hành không phải là điều phi thực tế, bởi sự thật là, đại dịch SARS năm 2003 từng tưởng chừng đã “nuốt sống” công ty, nhưng sau đó Alibaba lại trở thành người khổng lồ thương mại điện tử trị giá 470 tỷ USD.

 Jack Ma tại New York (Mỹ) khi đưa Alibaba lên sàn chứng khoán New York vào ngày 19 tháng 9 năm 2014. Ảnh: AFP

Đại dịch SARS và cơ hội của Alibaba

Alibaba được thành lập vào năm 1999. Ba năm sau, công ty chỉ có 400 nhân viên (còn ngày nay có hơn 100.000) và đạt  lợi nhuận hàng năm đầu tiên vào năm 2002.

Nhưng vào mùa thu năm đó, một chủng coronavirus mới bùng phát ở miền nam Trung Quốc. SARS, còn được gọi là SARS-CoV, sau đó đã lan rộng ra cả nước và thế giới.

Khi SARS trở thành đại dịch năm 2003, nó đã đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc - bao gồm cả doanh nghiệp non trẻ như Alibaba - khi ngành sản xuất của nước này phải chịu cảnh đóng cửa nhà máy, công nhân phải ở nhà, trong khi doanh số bán lẻ cũng giảm đáng kể bởi người tiêu dùng không muốn mạo hiểm đến cửa hàng.

Vào tháng 5 năm 2003, một nhân viên của Alibaba đã bị nhiễm SARS (cuối cùng cô đã sống sót). Công ty buộc phải cách ly toàn bộ nhân viên tại nhà.

Có vẻ như vào thời điểm đó, thảm họa đã tấn công doanh nghiệp trẻ. Đại dịch đã xảy ra đúng lúc Alibaba chuẩn bị ra mắt Taobao, dịch vụ mà Jack Ma hy vọng sẽ cạnh tranh với eBay tại Trung Quốc.

“Khi SARS đến, nó tạo ra cú sốc cho công ty, bởi vì chúng tôi không biết liệu hoạt động kinh doanh có thực sự diễn ra vào ngày mai hay không. Có rất nhiều điều không chắc chắn”, Ann Xu, người đã làm việc tại Alibaba từ năm 2000 và hiện đang đứng đầu bộ phận nhân sự ở Bắc Mỹ, cho biết vào năm 2019.

Sự bùng phát SARS dường như đã tấn công Alibaba vào thời điểm tồi tệ nhất, có thể đe dọa ngăn chặn sự phát triển sớm của công ty trẻ và trì hoãn sự ra mắt của Taobao. Tuy nhiên, những gì tưởng chừng như là trường hợp xấu nhất hóa ra lại là con đường dẫn đến đỉnh vinh quang.

Một tình huống thảm khốc trở thành thời khắc khởi nguồn

Đầu tiên, quyết định của Jack Ma là cho phép và khuyến khích người lao động làm việc tại nhà, giúp ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh tại Alibaba. Các công nhân mang máy tính để bàn về nhà để đảm bảo nền tảng thương mại điện tử của Alibaba vẫn hoạt động.

 Một bức ảnh chụp Jack Ma và các nhân viên của Tập đoàn Alibaba hồi năm 2003 được treo trong căn hộ cũ của ông ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Jeff Pohlman|CNBC

Các nhân viên làm việc 12 giờ một ngày. Đường dây nóng dịch vụ khách hàng của công ty được chuyển hướng đến nhà của nhân viên trong thời gian cách ly. Trong khi đó, một nhóm gồm khoảng 6 giám đốc điều hành và nhà phát triển đã ẩn náu trong căn hộ ở Hàng Châu của Jack Ma để hoàn thành việc xây dựng trang web Taobao, dự kiến sẽ ra mắt trong vòng một tuần kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Alibaba đã ra mắt trang web đúng giờ, vào ngày 10 tháng 5 năm 2003.

Vào thời điểm đó, mọi người trên khắp Trung Quốc đã nghỉ việc vì sợ nhiễm SARS. Việc cách ly thực sự trở thành bước ngoặt đối với nền kinh tế Trung Quốc - đặc biệt đối với các công ty internet, như Alibaba - khi người tiêu dùng bị mắc kẹt tại nhà bắt đầu chuyển sang đặt hàng qua internet.

Alibaba được hưởng lợi khi internet ngày càng cần thiết cho việc kinh doanh trong thời gian dịch SARS bùng phát, vì các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều bị thúc đẩy trong việc mua bán hàng hóa trực tuyến. Điểm rất quan trọng đối với Alibaba, đó là SARS bắt buộc hàng triệu người ngại ra ngoài, đành thử mua sắm trực tuyến.

Bất chấp việc eBay đã ra mắt tại Trung Quốc một năm trước đó và đầu tư hơn 250 triệu đô la vào hoạt động kinh doanh, Taobao nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh chính của công ty Mỹ trong thị trường hàng tỷ đô la.

Jack Ma đã thu hút khách hàng khỏi eBay bằng cách cho phép người dùng mới bán hàng hóa của họ trên Taobao miễn phí trong ba năm. Đến năm 2006, Taobao có thị phần bán hàng trực tuyến lớn hơn so với eBay tại Trung Quốc và công ty Mỹ đành quyết định rút hoàn toàn khỏi đất nước này.

Ngày nay, Taobao có hơn 600 triệu người dùng hàng tháng và điều đó đã giúp biến Alibaba thành một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với doanh thu hàng năm hơn 56 tỷ đô la .

Tất nhiên, đại dịch toàn cầu hiện nay có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại và kết quả là thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng đáng kể. Và internet không còn non trẻ. Alibaba cũng bị ảnh hưởng lớn, với việc giá cổ phiếu của công ty giảm gần 12% kể từ đầu năm 2020.

Giám đốc điều hành Zhang đã cảnh báo vào tháng trước rằng coronavirus có thể là lực cản đối với doanh thu thương mại điện tử của công ty, khi đại dịch làm chậm chuỗi cung ứng cũng như thời gian giao hàng. Nhưng Zhang lưu ý rằng công ty một lần nữa chứng kiến việc ngày càng nhiều người tiêu dùng cảm thấy thoải mái với việc chăm sóc các nhu cầu sống hàng ngày và công việc thông qua các phương tiện kỹ thuật số.

“Chúng tôi tin tưởng vào tình trạng số hóa đang diễn ra của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc, và sẵn sàng nắm bắt cơ hội để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế kỹ thuật số của Alibaba", ông Zhang nói.

Khánh Hồng (theo CNBC)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang