‘Xanh hóa’ ngành dệt may Việt Nam mang lại lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế

author 10:08 11/04/2023

(VietQ.vn) - Xu hướng tất yếu của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới chính là phát triển bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn. Việc “xanh hóa” cũng đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thời gian qua, ngành dệt may được giới chuyên gia đánh giá có sự phát triển khá nhanh và đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, nếu như năm 2001 xuất khẩu dệt may cả nước chỉ đạt 1,96 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã là 27 tỷ USD, năm 2021 vượt lên 40,4 tỷ USD. Gần đây nhất, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD.

 Xu hướng tất yếu của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới chính là phát triển bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa.

Mặc dù có nhiều đóng góp vào nền kinh tế nhưng dệt may lại là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường hàng đầu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng để tạo ra 1 kg sợi, cần tới 200 lít nước. Công đoạn có nhu cầu sử dụng nhiều nước trong quá trình sản xuất sợi bao gồm giặt sợi, tẩy màu, nhuộm màu và sau đó làm sạch sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, bản thân cây bông (cotton) cũng ngốn tới 19.000 lít nước để cung cấp đủ nguyên liệu cho việc sản xuất một chiếc áo phông. Bên cạnh đó, lượng khí thải và chất thải rắn cũng là vấn đề lớn của dệt may. 

Xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực này đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng đặt ra tiêu chuẩn bền vững cho hàng dệt may nhập khẩu vào nước họ. Ví dụ như các nước nhập khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải thích nghi, thay đổi, “xanh hoá” để phát triển bền vững. Từ thực tế đó, xu hướng tất yếu của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới chính là phát triển bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn. Việc “xanh hóa” cũng đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ với báo chí, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.

“Vấn đề đầu tiên là chúng ta phải hiểu và nâng cao nhận thức, đây là vấn đề tất yếu cho sự phát triển bởi vì nếu không vào cuộc ngay từ bây giờ thì có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta biết rằng, các thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, đặc biệt thị trường EU đã đưa ra chiến lược mới về dệt may. Đó là việc sản phẩm phải có vòng đời cao và có thể tái chế, thậm chí sản phẩm phải đảm bảo tỷ lệ tái chế nhất định, có thể là tân trang, tái sử dụng để chống ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp nếu không vào cuộc ngay từ bây giờ có thể sẽ chậm chân và gặp nhiều khó khăn” - ông Cẩm thông tin.

Giới chuyên gia nhận định, để phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng “xanh hóa”, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,... để doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:xanh hóa, dệt may

tin liên quan

video hot

Về đầu trang