Xây dựng thương hiệu đặc sản còn gặp nhiều trở ngại

author 14:54 18/12/2015

(VietQ.vn) - Muốn tồn tại và phát triển được thì hàng hóa đặc sản địa phương cần phải được tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng.

Sự kiện: SỞ HỮU TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ

Điểm “cộng” của việc xây dựng thương hiệu

Những năm gần đây, nhiều đặc sản địa phương được người tiêu dùng biết đến rộng rãi và được ưa chuộng. Nhiều đặc sản địa phương đã bước đầu khẳng định được chất lượng, danh tiếng và đang từng bước xây dựng được thương hiệu cho mình.

Nhiều địa phương cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu cho đặc sản của mình dưới các hình thứcbảo hộ nhãn hiệu tâp thể, nhãn hiệu chứng nhân, chỉ dẫn địa lý. Các địa phương cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp và địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.  

Trong bài viết của mình, Luật sư Trần Anh Huy - Công ty Luật hợp danh Invenco cho rằng: Đặc sản địa phương cũng là các sản phẩm hàng hóa và do vậy, cũng chịu ảnh hưởng bởi các quy luật cạnh tranh và cung cầu. Muốn tồn tại và phát triển được thì hàng hóa đặc sản địa phương cần phải được tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng. Giá trị cạnh tranh ở đây là đặc tính, chất lượng của sản phẩm, cam kết của người sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng về uy tín, chất lượng, độ an toàn của sản phẩm, còn giá trị gia tăng là những dịch vụ và giá trị ngoài giá trị cơ bản mà khách hàng đang được nhận khi mua sản phẩm, ví dụ như dịch vụ giao hàng tận nơi, tư vấn bán hàng…

Xây dựng thương hiệu chính là cách hiệu quả để người dân tạo lập, bảo tồn và phát triển được các giá trị đó, hay nói cách khác là giúp cho sản phẩm đặc sản địa phương có sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, người dân phải được nâng cao kiến thức về nông nghiệp nông thôn, về quy trình canh tác, chọn giống, sản xuất, bảo quản, tiếp thị sản phẩm, quản lý bán hàng, học cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, tiến hành các công việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để tránh bị xâm phạm… Đây cũng là cơ sở để bảo vệ và phát triển sản phẩm riêng của mình.

Sở hữu trí tuệ: Xây dựng thương hiệu đặc sản còn gặp nhiều trở ngạiSở hữu trí tuệ: Việc xây dựng thương hiệu đặc sản còn gặp nhiều trở ngại

Vướng mắc cần tháo gỡ

Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã tiến hành khảo sát tiềm năng, thế mạnh sản phẩm địa phương có giá trị, có thể coi là đặc sản địa phương để làm thương hiệu,. Đồng thời cũng đã tiến hành công việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trong nước và tại một số nước trên thế giới. Đây là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu của các hàng hóa đặc sản địa phương.

Tuy nhiên, Luật sư Trần Anh Huy cho biết, việc triển khai công việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý này mất khá nhiều thời gian và phức tạp.

Mặt khác, do các đặc sản địa phương tại Việt Nam chỉ được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng, quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng thiếu đồng nhất, thiếu ổn định. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín của sản phẩm, dẫn đến thương hiệu đặc sản của địa phương khó bền vững.

Do đó, luật sư này cho rằng phải chuyển dịch từ nông sản sang hàng hóa nông sản, các nhà sản xuất và nông dân cần chủ động tạo dựng mối liên kết trong sản xuất, hình thành các tổ chức liên kết, tổ chức tập thể những người sản xuất. Thông qua các tổ chức liên kết này, việc triển khai công tác chọn giống, áp dụng quy trình nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, quy trình quản lý, quy trình kỹ thuật và việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đồng nhất, hiệu quả và đảm bảo sản phẩm được đồng đều và chất lượng. Đồng thời, thông qua các tổ chức tập thể này thì việc nâng cao hiểu biết và nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương mới trở nên có ý nghĩa và hiệu quả, giúp người dân chủ động và tích cực tham gia vào công tác xây dựng thương hiệu.

Khó khăn tiếp theo được chuyên gia này nêu ra là tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc sản đã được đầu tư bài bản, từ việc chọn giống, canh tác, thu hoạch đến việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại nhưng vẫn khó tìm được đầu ra. Do đó, để giải quyết ổn thỏa bài toán đầu ra cho người dân, cần phải liên kết chặt chẽ giữa người dân (sản xuất) với doanh nghiệp thương mại/thương lái, chính quyền địa phương và các tổ chức. Có như vậy, việc triển khai tiêu thụ đặc sản địa phương mới ổn định, giúp người nông dân an tâm sản xuất.

Công tác truyền thông quảng bá sản phẩm cũng là một khó khăn khi chưa được đầu tư nhiều. Trong khi đó, kiến thức về pháp luật, về xây dựng và quản trị thương hiệu tại các địa phương còn hết sức hạn chế, dẫn tới việc thực hiện các công việc thường kéo dài, chồng chéo, nhiều công việc tỏ ra không thiết thực và hiệu quả. Do đó rất cần có các Công ty tư vấn để hỗ trợ và tư vấn các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương.

“Công việc xây dựng thương hiệu là công việc đòi hỏi quyết tâm bền bỉ và sự đầu tư lâu dài. Nhà nước, các bộ ngành và các tổ chức xã hội cần tạo điều kiện trợ giúp hơn nữa cho người dân để việc xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương thật sự hiệu quả và có ý nghĩa, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân”, Luật sư Trần Anh Huy - Công ty Luật hợp danh Invenco kiến nghị.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang