Bão số 2 giật cấp 10-11 khi vào Thanh Hoá: 250.000 người sẵn sàng sơ tán

author 11:05 16/07/2017

(VietQ.vn) - Bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Bắc trong 24 giờ tới, đến 1 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão sẽ ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Định - Hà Tĩnh.

Theo Thanh niên, đến 9h ngày 16/7, toàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn 1.718 phương tiện tàu, thuyền với 8.453 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng tất cả các tàu đều giữ liên lạc với đất liền và đang tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tại Thanh Hóa hiện có 610 hồ đập lớn nhỏ, nhưng qua kiểm tra, có tới 121 hồ không đảm bảo an toàn. Do vậy, các địa phương không được tích nước hoặc tích nước hạn chế ở những hồ đập mất an toàn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2; tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Các huyện miền núi, vùng nguy cơ xảy ra sạt lở cao, vùng cửa sông, ven biển phải sẵn sàng khi có lệnh sơ tán dân.

Tại tỉnh Ninh Bình, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã có công điện yêu cầu các huyện Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp chủ động phòng chống thiệt hại do mưa lớn, dự báo lên tới trên 200 mm; đồng thời yêu cầu các địa phương cắt tỉa cành cây ở khu vực đô thị, trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện… để đối với cơn bão số 2.

Ngày 15/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã Ban hành Công điện số 19 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Y tế, Văn hoá-Thể thao-Du lịch; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải.

Theo đó, trong nội dung Công điện này nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2 (tên quốc tế Talas) vào chiều 15/7. Bão di chuyển theo hướng Tây Bắc trong 24 giờ tới, đến 1 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão sẽ ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Nam Định - Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, từ chiều ngày 16/7 đến ngày 18/7, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm.

Bão số 2

Hướng di chuyển của bão số 2 (Ảnh: Nchmf).

Bên cạnh đó, để có thể chủ động ứng phó phù hợp, hiệu quả với những diễn biến mới của bão và mưa lũ lớn trên diện rộng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Uỷ Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến của bão và mưa lũ và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp biết và có thể chủ động phòng tránh phù hợp.

Cũng theo đó, từ những bài học kinh nghiệm trước đây, đối với những cơn bão đầu mùa và đổ bộ trực tiếp vào đất liền thường sẽ gây ra những thiệt hại khá lớn về người cũng như tài sản. Chính vì thế, cần chủ động để ứng phó những diễn biến của bão và mưa lũ.

Đồng thời, vùng nguy hiểm cũng đã được xác định trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc và phía Tây Kinh Tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Lưu ý, vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của bão và được cập nhật theo Bản tin dự báo bão của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương.

Ngoài ra, đối với các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh cần:

Trước 17 giờ ngày 16/7, phải khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành các công việc sau:

+ Kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh an toàn

+ Hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn với các tàu, thuyền đã về bến.

+ Chủ động việc cấm biển kể cả đối với tàu vận tải và tàu du lịch.

+ Cần tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn.

+ Bên cạnh đó, chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Đồng thời, đối với các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần:

+ Chủ động việc tiêu thoát nước đệm để có thể đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng và điều chỉnh kế hoạch xuống giống để hạn chế thiệt hại do mưa lớn.

+ Chỉ đạo việc kiểm tra và sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều hồ đập. Đặc biệt lưu ý, đối với các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công hoặc công trình đang xử lý, khắc phục sự cố.

+ Mặt khác, cần bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có mưa lũ.

+ Triển khai lập tức các phương án tiêu thoát nước đô thị để ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.

+ Tăng cường thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa khi có lệnh vận hành xả lũ, nhất là đối với hạ du hồ chứa nước Hoà Bình, Tuyên Quang. 

Mặt khác, các Bộ, ngành và địa phương theo từng chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện các phương án đảm bảo an toàn phòng tránh với bão và mưa lũ. Tiếp tục thực hiện nội dung Công điện số 18 ngày 14/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Uỷ Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng cường thời lượng phát song và đưa tin về các diễn biến của bão, công tác chỉ đạo điều hành của các cấp bộ ngành từ Trung ương đến địa phương để người dân chủ động phòng tránh.

Đồng thời, tăng cường lực lượng trực ban tại các cơ quan, đơn vị các cấp để có thể chủ động xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra và kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Uỷ Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Lan Lan (TH)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang