Cá chết ở miền Trung: Người tiêu dùng lạnh nhạt với hải sản

authorUyên Chi 06:52 24/04/2016

(VietQ.vn) - Lo ngại mua phải cá chết nhiễm độc, nhiều người dân ở Hà Nội không lựa chọn hải sản trong thực đơn của gia đình.

Cá chết ở miền Trung: Người tiêu dùng lạnh nhạt với hải sản

Chưa tìm được nguyên nhân gây cá chết hàng loạt tại biển miền Trung đã khiến cho người tiêu dùng e dè với hải sản

“Cơn bão” cá chết tại bờ biển miền Trung chưa lắng xuống, mặc dù chưa có kết quả chính thức vì sao cá chết và cá có nhiễm độc hay không nhưng tại thị trường Hà Nội, nhiều bà nội trợ đã không lựa chọn hải sản đông lạnh cho bữa cơm gia đình.

Chị Vũ Tú Quyên (Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết, thông tin cá chết tại biển miền Trung được báo chí đưa tin, thậm chí cả người ăn phải cá chết bị ngộ độc đã khiến chị thận trọng hơn với các loại hải sản trong bữa ăn hàng ngày.

“Tôi đã không mua hải sản trong những ngày gần đây, chưa biết cá mực đó có phải từ miền Trung chuyển ra hay không những để đảm bảo thì tốt nhất không nên mua dùng”, chị Quyên nói.

Giống chị Quyên, Bà Tú (Nghĩa Tân, Cầu giấy, HN) thay vì ăn cá biển, bà chuyển sang các loại cá nước ngọt. “Mặc dù món mực, cá biển gia đình tôi rất chuộng nhưng trước thông tin như vậy thì thôi thà nhịn ăn còn hơn ăn cá chết”, bà Tú cho biết.

Theo khảo sát của PV, tại một số chợ Nghĩa Tân, Thành Công, Cống Vị… các gian hàng bán hải sản như: mực, cá, tôm vẫn được bán duy trì nhưng theo các tiểu thương sức mua mặt hàng này có giảm trong những ngày vừa qua.

Cá chết ở miền Trung: Người tiêu dùng lạnh nhạt với hải sản

Cá chết ở miền Trung: Người tiêu dùng lạnh nhạt với hải sản

Tại chợ đầu mối sức mua hải sản cũng giảm do ảnh hưởng của thông tin cá nhiễm độc chết hàng loạt ở miền Trung

Không chỉ hải sản bán chậm tại các chợ truyền thống, tại chợ đầu mối, hải sản cũng không còn được chào đón như thời gian trước.

Anh Thịnh, một đầu mối chuyên đổ buôn các loại mực, bạch tuộc và cá biển đông lạnh tại chợ đầu mối Long Biên cũng cho hay, lượng hàng xuất buôn cho các mối chợ lẻ hôm nay đã giảm một nửa.

“Hải sản này tôi toàn nhập ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa không có hải sản ở miền Trung. Vậy mà, các tiểu thương chợ lẻ vẫn bảo, dân sợ mua phải hải sản chết ở miền Trung nên tuyệt đối không ăn bất cứ loại hải sản nào. Do đó, họ có nhập về cũng rất khó bán”, anh Thịnh nói.

Các tiểu thương thừa nhận, dù hải sản là mặt hàng được tiêu thụ mạnh vào mùa hè nhưng hiện nay lại gặp phải tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân được xác định chính là do tâm lý bất an, sợ mua nhầm phải hải sản chết ở biển miền Trung về ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ trên mạng xã hội, Nguyễn Thu Hằng chuyên kinh doanh hải sản online cho biết, mặc dù nguồn hàng chị nhập từ Thanh Hóa ra đều đặn mỗi ngày, nhưng rõ ràng sức mua giảm hẳn sau khi thông tin cá chết hàng loạt tại khu vực miền trong.

“Mình kinh doanh hải sản tươi sống, nhưng để bảo quản đương nhiên là phải đông lạnh. Thế nhưng người mua lại đặt nghi vấn về hàng đông lạnh liên quan đến cá chết ở Hà Tĩnh, Quảng Trị. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của mình”, chị Hằng nói.

Cá chết, bà con ngư dân bị ảnh hưởng, tiểu thương không bán được hàng và người tiêu dùng thì dè dặt. Bài toán đặt ra với cơ quan quản lý là sớm tìm được câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến cá chết và tìm hướng giải quyết những vấn đề này để những con cá biển không còn bị quay lưng như hiện nay.

Chiều ngày 21/4, Bộ NN-PTNT chỉ đạo nghiêm cấm người dân không được sử dụng các loại cá biển chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức.

Ông Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật ATTP VN cho biết, người dân có thể phân biệt cá biển được đánh bắt dù đã chết nhưng còn tươi, chưa bị ươn, thối sẽ có các dấu hiệu như mang hồng, miệng cá ngậm, vây hoặc da cá sáng bóng, vẩy không rơi rụng, mắt cá lồi, trong suốt. Cá ươn sẽ có mùi hôi, miệng sẽ mở to, bụng phình, mềm, mắt đục, lõm vào trong, vẩy rơi rụng, thịt mềm, ấn vào sẽ bị lõm xuống không đàn hồi.

>> Vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung: Nguyên nhân vẫn đi vào 'ngõ cụt'


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang