Cảnh giác trước những biến chứng nguy hiểm của sỏi thận

author 07:56 06/07/2016

(VietQ.vn) - Đã có những trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản hay sỏi thận.

Sự kiện: Chữa bệnh từ thiên nhiên

Biểu hiện của sỏi thận

Thống kê ở Mỹ có 10-15% dân số bị mắc sỏi thận. Ở Việt Nam thống kê chưa đầy đủ nhưng sỏi thận chiếm tỉ lệ lớn - khoảng 30% các bệnh lý về đường tiết niệu. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỉ lệ khoảng 2-3 người nam/1 người nữ. Một số yếu tố khác như về chủng tộc thì người da trắng bị nhiều hơn; về địa lý, những nơi khí hậu nóng có số lượng người mắc bệnh nhiều hơn; vùng nhiệt đới ví dụ châu Á, Việt Nam có người mắc bệnh sỏi thận nhiều. Độ tuổi mắc bệnh thường từ 20-50 tuổi, ở nữ thì trẻ hơn từ 20-40 tuổi.

Sỏi kết tinh từ các thành phần chất khoáng ở trong nước tiểu và nằm trong đường bài tiết gọi là sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu thường xuất phát trong thận. Khi viên sỏi lớn lên dần dần, nếu không gây biến chứng gì thì có thể người bệnh không có triệu chứng. Ở một số người, sỏi nằm trong thận; nhưng ở một số người khác, viên sỏi bong ra, rơi xuống những vị trí khác tạo thành sỏi niệu quản (ống dẫn từ thận xuống dưới bàng quang). Có thể sỏi đó rơi xuống dưới bàng quang và thậm chí rơi vào niệu đạo (cơ quan dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Sỏi có thể gặp trên bất cứ vị trí nào trong đường tiết niệu nhưng căn nguyên của nó xuất phát từ thận mà rơi xuống. Trong quá trình rơi xuống này có thể gặp các biến chứng khác nhau.

Triệu chứng của sỏi thận rất đa dạng nhưng phổ biến nhất là đau thắt lưng âm ỉ và thường nặng lên do một số yếu tố, ví dụ như sỏi di chuyển gây nên cơn đau quặn thận. Cơn đau quặn thận này có hai dạng: một dạng điển hình và một dạng không điển hình. Nếu dạng điển hình thì đau xuất phát từ vùng hông tức vùng thắt lưng và lan về phía dưới cơ quan sinh dục, thậm chí lan tới mặt trong của đùi và kèm theo có thể đi tiểu ra máu hoặc không. Những triệu chứng không điển hình là đau có thể lan ra vùng thượng vị và có một số người nhầm với bệnh dạ dày nên dễ chẩn đoán nhầm nếu không khám lâm sàng để xác định.

Uống đủ nước mỗi ngày là một biện pháp phòng ngừa sỏi thận.

Uống đủ nước mỗi ngày là một biện pháp phòng ngừa sỏi thận 

Những biến chứng nguy hiểm của sỏi thận

Những vị trí có sỏi thường là thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Còn sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây đái buốt, đái rắt, đái khó. Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận.

Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hoá thành đường tiểu, kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hoá sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu. Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm cho hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản.

Chính vì những biến chứng nguy hiểm mà sỏi thận gây ra nên có những trường hợp cần can thiệp cấp cứu để lấy sỏi ngay, có trường hợp có thể trì hoãn lấy sỏi có nghĩa là can thiệp lấy sỏi chủ động theo lịch định sẵn như mổ lấy sỏi hoặc tán sỏi. Có trường hợp không cần can thiệp gì đối với sỏi nhỏ không gây các biến chứng đau nhiều, đái ra máu hoặc gây biến chứng viêm nhiễm ở thận.

Tất cả bệnh nhân sỏi thận cần thực hiện: Uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu khoảng trên 2,5 lít/ngày. Điều trị các đợt nhiễm khuẩn, viêm nhiễm ở thận. Điều trị các biến chứng hay các yếu tố thuận lợi dễ gây hình thành sỏi. Khi biết được nguyên nhân hay thành phần của sỏi thì phải điều trị theo nguyên nhân.

Cách phòng ngừa sỏi thận

Cách dự phòng rẻ nhất và hữu hiệu nhất là nên uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít/ngày. Loại sỏi thận hay gặp nhất là sỏi canxi, nên câu hỏi đặt ra là có nên dùng canxi hay không? Câu trả lời là không cấm tuyệt đối nhưng nên dùng ở mức độ vừa phải. Vì dù nồng độ canxi trong nước tiểu cao nhưng nó cũng ít khi kết sỏi do có một số yếu tố ức chế kết tinh canxi thành sỏi.

Một điểm đáng chú ý nữa là, người ta nghiên cứu thấy những người uống vitamin C liều cao có nguy cơ bị sỏi thận cao gấp nhiều lần so với người khác. Lý do là vì dùng nhiều vitamin C thì thải ra lượng lớn oxalat trong nước tiểu và oxalat canxi kết tinh thành sỏi. Do đó, nên dùng vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được dùng tuỳ tiện, không nên uống nhiều và dùng liều cao dài ngày. Có nhiều người thấy vitamin C tốt nên cứ mua về cho con uống tháng này qua tháng nọ là không tốt, nguy cơ gây sỏi thận.

Người mắc bệnh sỏi thận nếu không điều trị kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm, thầm lặng vì viên sỏi sẽ to lên và cản trở đường bài tiết nước tiểu, làm cho chức năng thận hư hại dần. Đầu tiên sẽ là nhiễm trùng, gây thận ứ nước ứ mủ, viêm đài bể thận cấp do sỏi và từ đó, ổ vi trùng phát tán ra cả cơ thể gây nhiễm trùng huyết rất nặng. Biến chứng lâu dài là gây mất chức năng thận, thận xơ hoá dần dần, mà khi thận xơ hoá sẽ dẫn đến biến chứng cao huyết áp. Do vậy, khi có những triệu chứng như trên thì nên đi khám ngay.

Học cách làm bài thuốc chữa sỏi thận từ rau cải xoong(VietQ.vn) - Với hàm lượng vitamin, canxi, i-ốt... cao, rau cải xoong không chỉ giúp phòng bệnh tim mạch, chống lão hóa, bướu cổ mà giúp chữa sỏi thận, gan...

Thu Thảo (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang