Đồ chơi trung thu: Cảnh giác đồ chơi gắn dấu CR giả

author 16:32 16/09/2015

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên cảnh giác những loại đồ chơi có gắn dấu CR giả.

Cảnh báo đồ chơi ‘thông minh’ gắn dấu CR giả

Mùa Trung thu đang đến, nhu cầu về đồ chơi trẻ em ngày càng tăng lên, ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho hay, người tiêu dùng nên chọn các loại đồ chơi có nhãn mác địa chỉ, dấu hợp chuẩn hợp quy rõ ràng.

Ông Dũng cũng thông tin, hiện nay xảy ra tình trạng nguy hiểm là đã xuất hiện những loại đồ chơi  có dấu hợp chuẩn hợp quy giả mạo. Cụ thể, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (QLCL), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa ra thông báo, hiện nay, trên thị trường xuất hiện một số loại đồ chơi trẻ em “thông minh”;  đồ chơi biết kể chuyện với nhiều hình dạng khác nhau, trên nhãn ghi “Máy kể chuyện thông minh” hay “Chú mèo Tom biết kể chuyện” hoặc “Máy kể chuyện tiếng Doraemon...”. Khi bật lên, loại đồ chơi này phát ra ngôn ngữ không phù hợp với giáo dục trẻ em như nói bậy và sử dụng ngôn ngữ kích động bạo lực...

Cục QLCL khẳng định, những loại đồ chơi trẻ em trên không được chứng nhận hợp quy hoặc giả mạo dấu chứng nhận hợp quy (CR-ABC).

Đồ chơi Trung thu

Nên chọn các loại đồ chơi Trung thu có nguồn gốc rõ ràng

Được biết, tại các tuyến phố lớn và các tuyến phố chuyên bán đồ chơi cho trẻ em như Hàng Mã, chợ đầu mối Hà Đông, Đồng Xuân và Lương Văn Can, những loại đồ chơi kiểu “thông minh” như Máy kể chuyện thông minh hay Chú mèo Tom biết kể chuyện hoặc Máy kể chuyện tiếng Doraemon được bày bán khá nhiều. Điều đáng lưu ý là nội dung câu chuyện kể trong những đồ chơi “thông minh” này rất tục tĩu, phản cảm. Ví như Máy kể chuyện tiếng Doraemon phát câu chuyện với thông điệp rủ rê, xúi giục tự  tử: “Chúng ta thà chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng. Thà chết! Thà chết quách một lần cho rồi. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi...”

Cục QLCL cảnh báo tới người tiêu dùng không mua và sử dụng loại đồ chơi trẻ em này và đề nghị chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục QLCL cho biết: “Nếu người tiêu dùng phát hiện những loại đồ chơi trên còn bày bán tại thị trường, hãy báo cho cơ quan quản lý thị trường đến để xử lý thu hồi và tiêu hủy. Đối với chủ cơ sở bán hàng sẽ bị lập biên bản, căn cứ tùy giá trị lô đồ chơi độc hại, lực lượng chức năng sẽ đưa ra mức phạt hành chính”.

Chọn đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng

Theo ông Trần Minh Dũng, Thanh tra Bộ KH&CN cũng như các cơ quan chức năng đã khuyến cáo người tiêu dùng trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách lựa chọn đồ chơi nói chung và đồ chơi trung thu nói riêng có nguồn gốc an toàn.

Dưới góc độ người tiêu dùng, có thể dựa vào địa chỉ, nguồn gốc, dấu hợp chuẩn, hợp quy nhưng nhưng vấn đề như ông Dũng nêu trên là lại có tình trạng tự dán dấu, tem giả. Trong trường hợp này, người tiêu dùng nên làm như thế nào, ông Dũng cho hay, Bộ đang nghiên cứu để sửa đổi thông tư liên quan về quản lý dấu hợp chuẩn, hợp quy, để kiểm soát trách nhiệm của nhà sản xuất. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tạo thành hồ sơ của thông tin mỗi doanh nghiệp sản xuất xem trách nhiệm của nhà sản xuất là dán tem, thử nghiệm có đúng quy định không… “Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan chức năng”, ông Dũng nói.

Mùa Trung thu năm nay, Cục QLCL đã lên kế hoạch kiểm tra chất lượng và ghi nhãn đồ chơi trẻ em. Từ ngày 14/9 – 28/9 tới, Cục sẽ phối hợp với Quản lý thị trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương thành lập 3 đoàn kiểm tra chất lượng, nhãn  mặt hàng hàng đồ chơi trẻ em tại 3 thành phố lớn trên cả nước là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.

Đoàn công tác sẽ tập trung kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh nơi phát nguồn hàng chính phục vụ Tết Trung thu năm 2015, kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu khi đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường có vi phạm về chất lượng và nhãn hàng hóa; kiểm soát đồ chơi trẻ em kích động bạo lực không được phép lưu thông trên thị trường; kiểm tra nội dung và việc thể hiện thông tin cảnh bảo về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa... Trong trường hợp có nghi vấn về chất lượng sẽ tiến hành lấy mẫu theo quy định để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Riêng về đồ chơi mang tính bạo lực, ông Trần Minh Dũng cho hay, những đồ chơi này trên thị trường vẫn còn nhưng hiện đã giảm đi rất nhiều. “Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nên thận trọng hơn, tự xem xét kỹ lưỡng trước khi lựa chọn đồ chơi cho con em mình. Đồ chơi trẻ em cho lứa tuổi lớn hơn và đồ chơi điều khiển từ xa cũng cần tăng cường kiểm soát”, ông Dũng khuyến cáo.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang