Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn: Mạo danh nhà khoa học bị xử lý như thế nào?

author 21:40 22/07/2017

(VietQ.vn) - Việc mạo danh các nhà khoa học có tên trong danh sách tham gia dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển ở Bình Thuận sẽ bị xử lý sao đang rất được dư luận quan tâm.

Trong dự án đổ bùn thải nạo vét luồng lạch, liên quan đến Nhà máy Nhiệt điệt Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận, liệt kê danh sách những thành viên tham gia, gồm 14 người. Đứng đầu danh sách là "Nguyễn Tác An, học hàm/học vị/chuyên ngành: Tiến sĩ hải dương học, đơn vị công tác: Viện Hải dương học Nha Trang”. Ngoài TS An, còn có PGS-TS Trương Văn Bốn, Giám đốc Trung tâm nhiên cứu Động lực cửa sông và ven biển, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Ths Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam...

Thế nhưng, thật bất ngờ TS Nguyễn Tác An khẳng định, ông không hề được mời tham gia dự án. "Tôi hoàn toàn không biết, chỉ khi báo chí trao đổi tôi mới biết. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì không ai liên hệ với mình, tại sao tôi lại có tên trong hội đồng đó? Theo TS An, việc tự tiện lấy tên các nhà khoa học đưa vào dự án là rất nguy hiểm. Nếu sự thật như thế là rất nghiêm trọng.

TS Nguyễn Tác An khẳng định từ trước đến nay chưa hề có bất cứ đơn vị, cá nhân nào mời ông tham gia lập dự án nhận chìm trên

Không chỉ TS An, một chuyên gia khác là ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam, cũng hết sức bất bình khi biết tên mình trong danh sách tham gia thực hiện dự án nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.

“Tôi mới biết việc này qua báo chí. Từ trước đến nay không hề có đơn vị, cá nhân nào liên lạc với tôi hay đặt vấn đề tham gia thực hiện dự án. Vậy mà, không hiểu vì sao tôi lại có tên trong danh sách” - ThS Trâm nói.

Như vậy, có thể nhận định, dự án đổ bùn (do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam lập) trình lên Bộ Tài nguyên - Môi trường để được cấp phép đã bị "méo mó", không trung thực và có dấu hiệu của hành vi giao dối, mạo danh nghiêm trọng.

Liên quan đến vấn đề này, TS An cho biết đã có người xưng là người của công ty tư vấn gọi điện xin lỗi vì những sai sót khi tự ý đề tên ông trong danh sách các nhà khoa học. "Tôi nói với họ phải trả lời trực tiếp, rõ ràng chứ không thể qua gọi điện thoại", Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho biết.

Họ có nói muốn đến Nha Trang gặp trực tiếp tôi để xin lỗi. Tôi chỉ nói là cứ giải thích rõ ràng trên báo chí và tôi rất bận. Do họ chỉ trao đổi qua điện thoại không biết thực hư thế nào, nên tôi không đồng ý gặp”. Theo TS An, hiện ông đã báo việc này đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, yêu cầu làm rõ việc tên tuổi ông bị lợi dụng.

Chia sẻ trên báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, "hành vi này đã cấu thành tội phạm hay chưa, cần phải làm rõ thêm một số yếu tố, như động cơ, quá trình thực hiện và có liên quan đến cá nhân, tổ chức khác hay không và theo ông đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm lúc này là doanh nghiệp tư vấn dự án. Ít nhất họ phải chịu trách nhiệm hành chính”.

Trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, ĐB HĐND tỉnh, cho biết hành vi mạo danh một số nhà khoa học để đưa vào danh sách những người thực hiện dự án là vô cùng nghiêm trọng. Các cơ quan có trách nhiệm cần phải vào cuộc làm rõ việc mạo danh này, bởi khi mời các nhà khoa học tham gia dự án đều phải có hợp đồng trách nhiệm, tiền thù lao rõ ràng.

“Đó là bộ hồ sơ gian dối. Anh tự ý đưa tên người ta vào để làm “đẹp” bộ hồ sơ, để hợp thức hóa. Việc đó cũng có nghĩa là bộ hồ sơ đó không có giá trị về mặt khoa học. Chính vì vậy nên thu hồi giấy phép xả thải, hủy hồ sơ xin cấp phép và truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan” - ĐB Thiện nói.

Chia sẻ trên Báo Thanh Niên, chuyên gia độc lập, TS Tô Văn Trường tiết lộ: Việc "mượn tên" vẫn có nhưng thông thường "khổ chủ" được thông báo "xin phép" ngay từ đầu. Nhưng đây là lần đầu tiên có chuyện 3 chuyên gia lên tiếng công khai việc bị "mạo danh" trong một báo cáo có tính chất khoa học như vậy. Sự thiếu trung thực này không những vi phạm luật mà còn phản ánh về mặt đạo đức, không thể chấp nhận được.

Cũng theo TS Trường, liên quan đến dự án nạo vét và đổ thải bùn nạo vét của Công ty điện lực Vĩnh Tân 1, có 2 hội đồng thẩm định: Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM (do Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức) và Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm (Tổng cục Biển và Hải đảo chịu trách nhiệm). Chủ đầu tư phải làm 2 báo cáo riêng rẽ đưa ra.

Theo TS Trường, nếu làm đến cùng vấn đề này thì có lẽ cũng nên xem có ai bị "mượn tên" trong danh sách chuyên gia tham gia thực hiện báo cáo ĐTM của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 không. “Nếu hồ sơ gian dối thì tất yếu là kết quả thẩm định và cấp giấy phép dựa trên hồ sơ này phải bị hủy bỏ”, TS Trường khẳng định. 

PV (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang