Đua lãi suất huy động: Vietcombank và SHB nhập cuộc

author 06:36 12/03/2016

Vietcombank đã không thể 'đứng ngoài' cuộc đua lãi suất đang lan rộng trong hệ thống ngân hàng khi điều chỉnh lãi suất huy động kỳ ngắn hạn lên khoảng 0,3 - 0,5%/năm

Vietcombank cũng đã bắt đầu điều chỉnh lãi suất huy động

Theo đó, kỳ hạn 1 tháng được Vietcombank điều chỉnh lên 4,5%.năm, 2 tháng lên 4,6%/năm, 3 tháng lên 4,8%/năm và 6 tháng lên 5,2%/năm. Dù vậy, mức lãi suất này vẫn còn cách khá xa trần lãi suất huy động 5,5%/năm.

Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh này, Vietcombank đã không điều chỉnh kỳ dài hạn từ 24 - 60 tháng và mức lãi suất cao nhất là 6,2%/năm.

Một ngân hàng nữa cũng nhập cuộc đua lãi suất này, đó là SHB. Theo đó, từ ngày 8/3, lãi suất huy động từ kỳ hạn 3 - 5 tháng đã tăng lên 5,25%, gần sát trần 5,5%/năm của Ngân hàng Nhà nước.

Đến kỳ 6 - 8 tháng, lãi suất huy động bắt đầu có sự chênh lệch. Ví như với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 6,1%, nhưng gửi từ 200 triệu đồng - 2 tỷ đồng, lãi suất sẽ là 6,2%/năm và nếu gửi trên 2 tỷ trở lên thì lãi suất sẽ là 6,3%/năm.

Kỳ hạn từ 9 - 11 tháng, lãi suất huy động tăng lên 6,2% năm, nếu gửi từ 200 triệu đồng - 2 tỷ đồng thì lãi suất là 6,3%/năm và gửi trên 2 tỷ lãi suất là 6,4%/năm. Lãi suất huy động cao nhất của SHB là 7,3% với kỳ hạn 18 - 36 tháng.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động như SeABank, BIDV, OCB… Đặc biệt, là Eximbank với lãi suất huy động cao nhất hệ thống hiện nay là 8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Với xu hướng lãi suất huy động đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh vì chi phí đầu vào sẽ tăng làm đội giá thành sản phẩm.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đánh giá đây chưa phải là cuộc chạy đua lãi suất. Việc tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết.

Thống kê của NHNN cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2%/năm và 6 TCTD giảm lãi suất bình quân từ 0,1 - 0,3%/năm.

Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm.

Tuy vậy, một số chuyên gia tài chính vẫn cho rằng đây là một cuộc đua lãi suất. Dù tính chất của cuộc đua lần này không như năm 2010 -2011, nhưng nguyên nhân đều xuất phát từ sự yếu kém trong quản trị vốn của các ngân hàng.

Theo đó, nhiều ngân hàng do đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng quá mức khiến cho thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng và buộc phải tăng lãi suất huy động để hút vốn. Do vậy, các ngân hàng khác cũng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.

Một nguyên nhân nữa khiến lãi suất huy động tăng lên đó là các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn để phù hợp với thông tư 36 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Bizlive


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang