'Hãi hùng' quy trình sản xuất viên giải rượu, sâm nhung bổ thận giả

author 16:49 10/08/2020

(VietQ.vn) - Vụ án sản xuất viên giải rượu, sâm nhung bổ thận giả một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn diễn biến phức tạp.

"Hãi hùng" quy trình sản xuất viên giải rượu, sâm nhung bổ thận giả

Báo Người Lao động thông tin, mới đây, VKSND TP.HCM cho biết vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Đình Lạc Thư (SN 1975, quê Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Đình Thái Dương (SN 1978, em ruột Thư), Nguyễn Đình Kính Thư (SN 1983, em ruột Thư) cùng 6 bị can khác về các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh", "Buôn bán hàng giả là thực phẩm", "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh".

Tang vật thuốc giả trong vụ án Nguyễn Đình Lạc Thư. Ảnh: Người Lao Động

Ngày 25/7/2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.HCM phát hiện hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Đình Lạc Thư (đường Hòa Bình, quận 11) và Nguyễn Đình Thái Dương đang nhận 4.000 hộp thực phẩm chức năng giả một thương hiệu. Đồng thời, phát hiện bên trong cơ sở của Thư đang sản xuất thuốc nghi giả một thương hiệu.

Cùng thời điểm này, các trinh sát phát hiện tại Công ty Đ.D.V (huyện Bình Chánh) có một số công nhân khác đang sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nhãn hiệu B.X. Công an phát hiện 2000 hộp thực phẩm chức năng giả đã thành phẩm.

Khám xét khẩn cấp nhà của Nguyễn Đình Lạc Thư, công an thu giữ một số tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc tân dược giả một thương hiệu. Khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm khác ở Tân Bình, Bình Tân, quận 8, Tân Phú, công an thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu khác.

Đại diện các nhãn hàng sản xuất viên giải rượu, sâm nhung bổ thận... xác định toàn bộ tân dược, thực phẩm chức năng thu giữ tại các cơ sở liên quan đến Nguyễn Đình Lạc Thư đều là giả, không phải hàng của công ty.

Nguyễn Đình Lạc Thư khai nhận bắt đầu sản xuất, buôn bán tân dược giả và thực phẩm chức năng giả các loại vào tháng 2-2018. Thư đặt các đối tượng bên ngoài xã hội làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng, sâm nhung bổ thận đồng thời thuê Nguyễn Đình Thái Dương quản lý, điều hành việc sản xuất, buôn bán hàng giả; thuê Nguyễn Đình Kính Thư giao hàng.

Một nhân viên pha chế trong đường dây này khai với công an rằng sau khi có công thức và nguyên liệu, nhân viên sẽ tiến hành pha chế theo quy trình phụ thuộc vào từng loại sản phẩm khác nhau.

Việc sản xuất sản phẩm cốm thực phẩm chức năng giả đã được thực hiện theo quy trình cho nguyên liệu trộn đều, đưa vào máy sửa hạt siêu tốc để hạt tơi ra rồi sấy ở nhiệt độ 900 độ C. Sau đó cho vào máy trộn, cho hoạt chất mầm đậu nành vào và trộn thêm chất bôi trơn rồi ép vỉ, đưa đi tiêu thụ.

Cơ quan điều tra xác định đường dây do Nguyễn Đình Lạc Thư cầm đầu đã sản xuất, buôn bán tân dược giả, thực phẩm chức năng giả có giá trị hơn 1,9 tỉ đồng.

Đáng nói, đây không phải là vụ việc duy nhất khiến nhiều người rùng mình về độ “bất nhân” của các đối tượng, lợi dụng người bệnh để kiếm tiền.

Một số vụ án “rúng động” dư luận khác

Hồi đầu năm 2020, Công an Thành phố Hà Nội cũng triệt phá một đường dây buôn tân dược và thực phẩm chức năng giả liên tỉnh quy mô lớn.

Theo đó, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Lý Thị Thùy Linh vận chuyển 200 lọ tân dược Pharcoter, 20 hộp thực phấm chức năng Cerebrum ghi sản xuất tại Pháp không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Qua điều tra, Linh khai nhận, số tân dược trên là hàng giả và được vận chuyển cho đối tượng Lý Mạnh Thông. Khám xét nơi Thông tạm trú tại quận Hoàng Mai, lực lượng chức năng cũng thu giữ hơn 2 tấn tân dược nghi là hàng giả, thực phẩm chức năng giả ghi nhãn hiệu Pharcoter, Ginkomin, Glucosamin, Ginko Brain, Cerebrum, Citimax, Thiomuti Glutathione, Bromalex, Exibcure, Zapnex, Anofranit, Sertil, Entraviga, Sernal, Nenbatel, Ezdixim, Cardenol, Cenpira, Gabamin, Oculus, Glutamin... Trong số đó, có hàng trăm lọ thuốc chứa viên nang nhưng chưa được dán nhãn mác, cùng hàng trăm lọ nhựa, nhãn mác, bao bì các loại...

Một vụ án nổi tiếng, gây“rúng động” dư luận là vụ cựu tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng buôn thuốc ung thư giả.

 Cựu tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng trong một phiên tòa. Ảnh: Vnexpress

Hồi tháng 10 năm ngoái, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng 17 năm tù. Chấp nhận hình phạt, Hùng không kháng cáo. Đối tượng Cường và 7 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài bản án này, ngày 31/10/2019, Nguyễn Minh Hùng và 6 đồng phạm tiếp tục bị khởi tố về hành vi tương tự do móc nối Võ Mạnh Cường mua 4 loại thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc, xuất xứ là: Kafotax - 1000, Kaderox – 250, H2K Levfloxacin và H2K Coprofloxacin bán hết ra thị trường.

Thuốc giả nguy hiểm tới mức nào?

Theo Vietnamnet, thuốc giả dù chiếm một lượng nhỏ trên thị trường, khi không may uống phải sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm với sức khoẻ.

Theo luật Dược 2016, thuốc giả là thuốc không có dược chất, dược liệu; có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu; có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối; được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Cục Quản lý Dược cho biết, mỗi năm, hệ thống kiểm nghiệm trên cả nước lấy gần 40.000 mẫu thuốc để kiểm tra. Tỉ lệ phát hiện thuốc giả trong nhiều năm qua dưới mức 0,1%, năm 2018, tỉ lệ thuốc giả chiếm 0,02%.

Tuy nhiên, do công nghệ làm giả tinh vi nên nhìn bên ngoài thuốc giả gần giống với thuốc thật, có nhãn và hình ảnh thuốc giống hệt nhau, do đó dễ đánh lừa bệnh nhân và thậm chí là các dược sĩ.

Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương năm 2017, trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền. Tháng 5/2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã phát hiện thuốc Zinnat 500mg số lô C463051 của hãng Glaxo Operations UK Ltd ở trên địa bàn TP.HCM là giả, và đến tháng 04/2018, loại thuốc này lại tiếp tục được phát hiện bị làm giả khi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm tra mẫu thuốc Zinnat 500mg Film Tablet với nhãn ghi thành phần “Sefuroksim aksetil 10 film tablet” lấy tại Hà Nội cho kết quả không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl - thành phần chính của thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, tuy thuốc giả chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm, nhưng điều đáng sợ là nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt với các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp...

Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, kim loại nặng khiến người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.

Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong tỉ lệ khoảng 1/10.000 - 1/100.000, thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Khi dùng phải thuốc giả, những tác dụng phụ sẽ xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát hơn, đe doạ tính mạng người bệnh.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang