Hé lộ tình tiết mới trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động

author 08:02 05/07/2014

Có tới 3 cơ hội để Nguyễn Mạnh Tường có thể cứu sống chị Huyền nhưng y đều bàng quan, vô tâm, bỏ mặc... khiến chị Huyền chết tức tưởi.

Sự kiện:

 

Báo Kienthuc dẫn thông tin theo hồ sơ văn bản kiến nghị gửi cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Viện KSND và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội của luật sư Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang, 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là chị Lê Thị Thanh Huyền, vụ án này có một số tình tiết chưa được các cơ quan chức năng đề cập đến.

Một trong những tình tiết đáng chú ý đó là hành vi 3 lần bỏ mặc khách hàng Lê Thị Thanh Huyền trong cơn nguy kịch của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường

Theo 2 luật sư trên, ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra của Tường còn được thể hiện ở việc Tường hoàn toàn nhận thức được rằng khi chị Huyền xảy ra biến chứng và rơi vào trạng thái nguy cấp có thể tử vong thì theo quy định của pháp luật về cấp cứu cũng như về y đức, Tường bắt buộc phải tiến hành cấp cứu nạn nhân ngay lập tức nhưng Tường đã không làm điều đó. Như vậy, hành vi của Tường trong trường hợp này phải được coi là giết người với hình thức “không hành động”, tức là không làm những việc mà pháp luật quy định buộc phải làm. Cụ thể, Nguyễn Mạnh Tường đã bỏ mặc chị Huyền 3 lần như sau:

Bỏ mặc lần 1, khi bắt đầu cũng như trong quá trình diễn ra các thủ thuật phẫu thuật, chị Huyền đã xảy ra biến chứng thì Tường đã không dừng lại ca phẫu thuật để kiểm tra nguyên nhân, kịp thời cấp cứu xử lý các biến chứng giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà vẫn tiếp tục tiến hành ca phẫu thuật trong tình trạng bệnh nhân đang xảy ra biến chứng.

Bỏ mặc lần 2, đó là sau khi phẫu thuật xong, chị Huyền vẫn đang trong tình trạng biến chứng, co giật. Nếu căn cứ theo công văn số 3205/SYT thì quy trình cấp cứu cho nạn nhân khi có những biểu hiện bất thường là sau khi tiêm Diazepam cho nạn nhân thì “quy trình cấp cứu co giật” vẫn phải tiếp tục theo dõi, tìm và giải quyết nguyên nhân, nhưng Tường đã bỏ mặc chị Huyền ở tình trạng đó để cùng bạn gái đi lễ chùa. 

Trong bút lục số 548, 562, 584…, bác sĩ Tường khai: “Khoảng 17h cùng ngày, tôi cùng bạn gái tôi là chị Phạm Thị Hường – Trú tại Phương Mai – Đống Đa – Hà Nội đi chùa Quán Sứ… Sau khi đi lễ chùa Quán Sứ lại còn có ý định lên cả phủ Tây Hồ lễ tiếp”.

2 luật sư dẫn chứng lời khai của y tá Nguyễn Ngọc Thư. Cụ thể, tại bút lục 910 ngày 25/10/2013, chị Thư khai: “Sau khi tiến hành phẫu thuật xong, chị Huyền vẫn bị co giật, chảy dãi đờm, giật mắt”. Khi được hỏi “từ lúc phẫu thuật xong đến lúc chị biết là chị Huyền tử vong là trong thời gian bao lâu?”, Thư khai: “khoảng 4 tiếng đồng hồ (từ 13h30 đến 18h). Hỏi: “Trong thời gian đó bác sĩ Tường có động thái, hành động gì không?”, Thư khai: “Bác sĩ Tường không có động thái, hành động gì cả. Bác sĩ Tường bỏ mặc chị Huyền ở đó. Bác sĩ Tường bỏ đi đâu, làm gì tôi không rõ, chúng tôi gọi mãi bác sĩ mới về thẩm mỹ viện”.

Tại Bút lục 919 ngày 23/10/2013, Thư khai: “Sau khi ra ngoài vẫn tiếp tục cho bệnh nhân thở oxy. Tình trạng của bệnh nhân lúc đó vẫn co giật, chảy rãi đờm, giật mắt”.

Bỏ mặc lần 3, đó là Tường không ra y lệnh để đưa chị Huyền đi cấp cứu khi nhận được thông báo của nhân viên thẩm mỹ viện thông báo chị Huyền đang trong tình trạng nguy cấp đến tính mạng. Những gì bác sĩ Tường, bác sĩ Thành và một số nhân viên thẩm mỹ viện đã làm cho chị Huyền thì đó chỉ là những việc được “gọi là cấp cứu”.

Cụ thể, khi Tường và bạn gái đang đi lễ chùa Quán Sứ thì nhận được điện thoại của nhân viên thẩm mỹ viện thông báo về tình trạng chị Huyền đang nguy cấp vì có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Trong trường hợp này, bắt buộc Tường phải ra y lệnh cho nhân viên đưa chị Huyền đến ngay cơ sở cấp cứu gần nhất là Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai có vị trí nằm đối diện thẩm mỹ viện Cát Tường hoặc một nơi nào đó có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để cấp cứu người bệnh theo quy định tại Khoản 2, Điều 54 Luật Khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu.

Khoản 2, Điều 54, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Khi cấp cứu vượt quá khả năng chuyên môn thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: a - tổ chức hội chẩn theo quy định tại Điều 56 của luật này; b - mời cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đến hỗ trợ cấp cứu; c – chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám chữa bệnh phù hợp”.

"Nhưng thực tế, bác sĩ Tường đã không thực hiện những quy định trên khi đã có đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng đưa chị Huyền đi cấp cứu, cụ thể: đủ về thời gian, không gian, mọi người trong thẩm mỹ viện Cát Tường đã gọi taxi, mở sẵn các cửa của thẩm mỹ viện… để sẵn sàng đưa chị Huyền đi cấp cứu. Thay bằng việc bắt buộc Tường phải ra y lệnh để đưa ngay chị Huyền vào cơ sở y tế gần nhất như quy định tại điều luật trên thì Tường lại ra y lệnh “đợi anh về xử lý”.

Nguyễn Mạnh Tường là một bác sĩ nên phải nhận thức được rằng với những điều kiện hiện tại như cơ sở thẩm mỹ viện không đủ trang thiết bị để cấp cứu bệnh nhân, Tường lại không phải là bác sĩ chuyên khoa về gây mê, hồi sức cấp cứu, lúc đó Tường lại ở xa thẩm mỹ viện Cát Tường (chùa Quán Sứ)… Như vậy, không có căn cứ và cơ sở nào cho phép Tường tin rằng có thể quay về để cứu sống bệnh nhân khi họ đang trong tình trạng nguy cấp", các luật sư bào chữa cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền phân tích trong hồ sơ. 
 Theo luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình chị Huyền là luật sư Vũ Gia Trưởng và luật sư Phạm Hương Giang, ngày 10/6, họ đã gửi bản kiến nghị tới các cơ quan điều tra, Viện KSND TP Hà Nội và TAND TP Hà Nội thay đổi tội danh với Nguyễn Mạnh Tường.

Bản kiến nghị cho rằng: Cơ quan tố tụng khởi tố bác sỹ Tường tội danh “Vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và tội danh “Xâm phạm thi thể mồ mả” là không chính xác, mà cần khởi tố với tội danh “Giết người” mới đúng với các dấu hiệu phạm tội của bác sỹ Tường.

Nguyên nhân được lý giải: Bác sỹ Tường mặc dù là giám đốc của cơ sở thẩm mỹ nhưng không phải là người khám bệnh, chữa bệnh cũng không phải là bác sỹ được giao trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật tại cơ sở thẩm mỹ do chưa được Bộ Y tế hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tường chỉ là bác sỹ chuyên khoa ngoại nhưng lại đi phẫu thuật thẩm mỹ. Cơ sở thẩm mỹ của Tường là giả mạo và thực tế Tường là bác sỹ hoạt động “chui”.

Hơn nữa, Tường cố tình thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù biết mình không có tay nghề. Khi nạn nhân có biểu hiện co giật, sùi bọt mép, Tường không dừng lại xử lý mà vẫn tiếp tục phẫu thuật. 

Luật sư cũng trích dẫn những lời khai của các y tá để lập luận rằng Tường đã thể hiện sự coi thường tính mạng người khác khi cố tình thực hiện thủ thuật phẫu thuật trong tình trạng chị Huyền đang bị biến chứng dẫn đến nạn nhân tử vong. 

Nguyên Dương (tổng hợp từ kiến thức - VTC)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang