Mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc: Khó đạt chuẩn!

authorThanh Uyên 21:34 02/11/2015

(VietQ.vn) - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa giới thiệu thí điểm mẫu mũ bảo hiểm (MBH) dành cho phụ nữ dân tộc. Theo đại diện các cơ quan chức năng, vấn đề sản xuất loại MBH này như thế nào để đạt chuẩn đang là bài toán khó bởi nếu thay đổi kết cấu mũ là trái với quy chuẩn.

 Mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc: Khó đạt chuẩn!

Phụ nữ dân tộc Thái đội MBH  không bảo vệ được vùng đầu vì vướng búi tóc

Không để MBH chỉ bảo vệ…búi tóc

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ 2007 đến nay, nhiều hội nghị trong và ngoài nước, các cơ quan quốc tế đều đánh giá cao về đội mũ bảo hiểm cho người lớn.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng thừa nhận, đội MBH cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đang được thực hiện khó khăn trong cách thức triển khai và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì những rào cản của yếu tố phong tục, trang phục truyền thống ảnh hưởng đến việc chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy.

Ông Dương Anh Tài, đại diện nhà sản xuất MBH Protec cho rằng, phụ nữ Thái đội MBH chỉ bảo vệ được búi tóc. Khi xảy ra va chạm mũ rất dễ bị xô lệch ra khỏi đầu. Không thể trách người đội vì búi tóc là nét văn hóa truyền thống. 

“Do đó, MBH không có tác dụng bảo vệ người đội mà còn gây mất an toàn giao thông. Họ rất muốn chấp hành Luật giao thông nhưng chưa có giải pháp nào tháo gỡ thực trạng này,” ông Tài nói.

Với đặc trưng văn hóa, phụ nữ Thái Tây Bắc khi lấy chồng phải "tằng cẩu" - búi tóc lên trên đỉnh đầu, do vậy việc đội MBH thông dụng là khó khả thi. Tuy nhiên, để chấp hành quy định bắt buộc đội MBH khi đi xe gắn máy, những phụ nữ này phải đội MBH mà không bảo vệ được phần đầu.

"Đây là điều bất cập, do vậy việc nghiên cứu ra một loại MBH dành riêng cho phụ nữ dân tộc Thái là cần thiết. Tuy nhiên để MBH đảm bảo cả hai yếu tố phù hợp và đảm bảo tiêu chuẩn vẫn còn gặp nhiều khó khăn", ông Hùng nói.

 Mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc: Khó đạt chuẩn!

 Mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc: Khó đạt chuẩn!

Mẫu MBH dành cho phụ nữ dân tộc khó phù hợp quy chuẩn vì thay đổi kết cấu an toàn

MBH mẫu mới có an toàn?

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật HI, mẫu MBH dành cho phụ nữ dân tộc Thái cũng có 3 bộ phận gồm vỏ, hấp thụ xung động, quai đeo. Mũ này che 3/4 đầu, có kính chắn gió, chắn côn trùng bay trên đường, hấp thụ xung động theo đúng quy chuẩn Việt Nam. Phần chóp nhọn được thiết kế chiều cao 8-9cm để búi tóc riêng cho chị em. 

Ông Dũng cho biết, đang chờ đợi sự cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thừa nhận việc thử nghiệm loại mũ này ở đơn vị thử nghiệm cũng đang gặp khó khăn vì không có thiết bị nào có thể kiểm tra, thử nghiệm được độ an toàn, quy chuẩn của loại mũ có thiết kế mới về hình dạng khi ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại MBH nào có thiết kế như này.

Theo TS.Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng), Theo quy chuẩn, MBH được phân làm 3 loại:  Mũ che nửa đầu là mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ; Mũ che cả đầu và tai là mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm và vùng tai của người đội mũ; Mũ che cả đầu, tai và hàm.

"Hiện trên thế giới phổ biến 3 loại MBH này, do vậy việc nghiên cứu cho sản xuất loại MBH chuyên dùng cho phụ nữ Thái không thuộc dạng MBH có trong quy chuẩn vì vậy áp theo quy chuẩn thì khả năng không đảm bảo các chỉ tiêu là rất cao", ông Tuấn cho biết.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết, MBH đang hiện hành với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người độ mũ một cách tối đa đã được nghiên cứu và được thế giới chấp nhận bởi tính an toàn cũng như kết cấu tiện dụng cho người đội mũ, tuy nhiên đối với loại MBH được thiết kế riêng cho phụ nữ Thái Tây Bắc đang là một ngoại lệ. Vì vậy, trong trường hợp thiết kế, thay đổi lại công nghệ giảm bớt các chỉ tiêu khác thì việc thay đổi quy định là rất khó khăn. 

Ông Sơn cũng lo ngại, nếu chấp nhận thay đổi quy định mang tính riêng biệt thì sẽ phát sinh việc các loại MBH dạng khác, ví dụ như MBH dạng hơi cũng yêu cầu thay đổi thì sẽ không còn là quy chuẩn MBH nữa. Do vậy, cần phải có giải pháp hợp lý tránh tình trạng phá vỡ quy định làm nảy sinh những vấn đề không đáng có.

"MBH phải đảm bảo yếu tố bảo vệ an toàn cho người đội, nếu thay đổi kết cấu, giảm chỉ tiêu an toàn thì việc đội mũ không còn ý nghĩa. Do vậy, việc lưu hành MBH chuyên biệt này cần phải được nghiên cứu thêm", ông sơn cho biết.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang