Nuôi chó trong nhà, cần lưu ý gì để con trẻ không rơi vào vòng nguy hiểm

author 12:03 21/07/2018

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, gia đình nào có nuôi chó thì nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc. Thậm chí, nuôi chó trong nhà cũng cần rọ mõm, cách ly với trẻ.

Hàng loạt vụ việc trẻ em bị chó cắn

Ngày 14/7 vừa qua, một bé gái 8 tháng tuổi (Đội Cấn, Hà Nội) bị chó cắn được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu. Theo gia đình cháu bé, bệnh nhân bị một con chó ngao Tây Tạng nuôi tại nhà nặng khoảng 40 kg tấn công. Thời điểm đó, cháu bé chơi cùng chó mà không rọ mõm. Khi nghe tiếng bé kêu, chị mới phát hiện con bị chó cắn. Người mẹ lao vào xua đuổi con chó và cũng bị chó cắn vào tay.

Theo bác sĩ Lê Việt Khánh, Phó khoa Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Khánh, bé gái này được đưa đến viện trong tình trạng mạch không, huyết áp không, xuất huyết não, vết thương vùng trẩm (đầu) và hai bên thái dương, chảy máu nhiều.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, trung tâm đã nhanh chóng cấp cứu. Bác sĩ tiến hành cầm máu, truyền dịch, ép tim, dùng thuốc chống tim. Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu, bé đã ngừng tim. Sau 2 tiếng cấp cứu không có hiệu quả, bé đã tử vong. 

Trước đó, tại Hà Nội cũng ghi nhận trường hợp của bé M. D, 2 tuổi, quê ở Ba Vì được gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu trong tình trạng đau đớn, kích thích, hoảng sợ do bị chó nhà cắn dập nát mặt. Kết quả kiểm tra cho thấy, đây là tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)…

Một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội vừa bị chó ngao Tây Tạng cắn gây tử vong khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Ảnh: Lao động 

Mẹ cháu cho biết, thủ phạm chính là con chó nhà nuôi vừa mới đẻ. Do cháu chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn. Dù đã được tiêm phòng bệnh dại nhưng sau khi cắn trẻ, vài ngày sau con chó vẫn chết. Ngay sau phẫu thuật các bác sĩ cũng đã tư vấn gia đình cho trẻ tiêm phòng dại.

Trường hợp của bé N.T.Đ 6 tuổi, sống tại Đoan Hùng, Phú Thọ cũng bị con chó hơn 10 kg tấn công. Bé Đ. sang nhà hàng xóm chơi với bạn. Khi hai cháu đang đuổi bắt nhau ở sân nhà thì bất ngờ con chó xông đến cắn liên tiếp vào đùi, mông bé Đ.. Con chó nặng tới 10kg đè sát vào người Đ. khiến em không thể chống cự.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị chó tấn công. Điển hình có bệnh nhi bị chó cắn đứt cả khí quản. Có những trẻ bị chó cắn nát cả mặt khâu tới 200 mũi khiến các bác sĩ không khỏi xót xa. Đặc biệt, khi bị chó tấn công các bé đều để lại những sẹo vĩnh viễn và phải phẫu thuật tạo hình.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM cho biết trong 3 tháng hè, số ca trẻ nhập viện do chó cắn rất nhiều. Vào năm học, thỉnh thoảng vẫn có trường hợp bị chó cắn xé phải khâu vết thương. Đáng chú ý, có cháu mới được 6-7kg bị chó cắn vào mặt rồi lôi xềnh xệch. Thậm chí có bé bị chó cắn lôi cả vào gầm xe tải 5 - 6 người mới giải cứu được cháu bé.

Đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ, cần làm gì?

Liên quan tới vụ việc cháu bé 8 tháng tuổi bị chó cắn tử vong, bác sĩ Lê Việt Khánh - Bệnh viện Việt Đức cho biết chó ngao Tây Tạng là chó cảnh, trọng lượng lớn được nhiều gia đình ở Việt Nam chọn nuôi. Tuy là chó nuôi, nhưng bản tính hung hãn của chó vẫn còn. Vì vậy, khi nuôi gia đình phải tiêm phòng, nếu cho chó ra ngoài đường phải rọ mõm để tránh nguy hiểm cho người đi đường. Gia đình có trẻ nhỏ cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với chó. Nếu bé chơi với chó phải có người lớn bên cạnh và rọ mõm chó để đảm bảo an toàn.

Theo bác sĩ Khánh, khi bị chó cắn, nếu vết cắn xa trung tâm, người bệnh cần được rửa vết thương sạch cầm máu, sát trùng và đưa đến trung tâm y tế gần nhất. Nếu bệnh nhân bị chảy máu nhiều cần nhanh chóng cầm máu.

Bác sĩ Lê Việt Khánh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Zing

Chia sẻ thêm về viêc này, Ths.Bs Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa Tạo hình – Sọ mặt, bệnh viện Nhi Trung ươngcho biết, trường hợp trẻ bị tai nạn do chó cắn được cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung ương khá phổ biến. Mỗi năm khoa Tạo hình – Sọ mặt tiếp nhận và phẫu thuật cho 10-15 trường hợp trẻ bị chó cắn có tổn thương phức tạp, đặc biệt là vùng mặt.

Qua các trường hợp trên, bác sĩ Thơm khuyến cáo, gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ.

Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%. Sau đó, đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.

Bảo Lâm (T/h)

Bình Phước: Bé gái phải khâu 7,5 mét chỉ vì bị chó cắn nát mặtThêm một bé gái ở Bình Phước vừa bị chó cắn nát mặt vào trưa ngày 26.10. Tổng cộng có 7 sợi chỉ với tổng chiều dài 7,5 mét được khâu cho bé với trên 200 mũi khâu…
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang