Nhà báo dễ dàng bị theo dõi và tấn công nhất trong môi trường số

author 06:13 20/04/2018

(VietQ.vn) - Trong môi trường số tiềm ẩn nhiều rủi ro mất cắp thông tin, thậm chí bị tấn công mạng, nhà báo nên trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để 'thoát hiểm'.

Công nghệ điện tử, công nghệ thông tin vừa là một cuộc cách mạng của nhân loại, vừa đặt ra nhiều thách thức về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin đối với người sử dụng.

Theo Thống kê thường niên 2017 của Kaspersky Lab, Việt Nam đứng đầu trong danh sách có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc cục bộ, đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia bị tấn công vào lỗ hổng mật mã hóa, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số càng trở nên quan trọng đối với các nhà báo. Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt là với báo chí điện tử, thì dữ liệu, thông tin số vừa là tư liệu, vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí; mặt khác, ngành báo chí không thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ nên kiến thức, kỹ năng về an toàn số của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế.

Trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức, trường đào tạo báo chí, các tổ chức xã hội về báo chí nghiên cứu sâu và có chương trình, hành động cụ thể để tăng cường an toàn tác nghiệp báo chí thì ở Việt Nam, câu chuyện an toàn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được đặt ra một cách toàn diện.

Nhiều nhà báo bị tấn công, đánh cắp thông tin

Tại Hội thảo "An toàn số cho nhà báo", khi dẫn giải 12 vấn đề an toàn số với nhà báo của UNESCO, TS Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao) cho biết nhà báo phải đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; tấn công lừa đảo; tấn công bằng tên miền giả mạo.

Cùng lúc, họ cũng có thể bị xâm phạm tài khoản của người sử dụng; hăm dọa, quấy rối online; bôi nhọ và xóa thông tin; chiếm đoạt các sản phẩm báo chí; vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền ngày càng tăng…

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập báo Infonet cho rằng các nhà báo gặp rất nhiều rủi ro khi tác nghiệp trong môi trường số. 

Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Infonet cho hay, nhà báo cũng như những người sử dụng môi trường số đều có thể bị ăn cắp thông tin. Tuy nhiên, việc tấn công vào nhà báo sẽ có chủ đích cao hơn.

Ngoài ra, nhà báo dễ bị lập tài khoản giả mạo để phát tán thông tin giả mạo. Và, mức độ nguy hiểm của tin giả sẽ cao hơn rất nhiều. Trong một trường hợp khác, nhà báo có thể bị tấn công bằng tin nhắn, bình luận trên mạng xã hội.

Trong một số trường hợp, phóng viên đi làm nếu không tắt định vị rất có thể bị phát hiện và dễ bị lộ vị trí khi tác nghiệp. Điều này có thể khiến bản thân nhà báo bị theo dõi, dễ gặp nguy hiểm…

Giải pháp đảm bảo an toàn khi tác nghiệp trong môi trường số

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những nguy cơ ảnh hưởng khi hoạt động trong môi trường số, các nhà báo cần phải trang bị những kỹ năng cho riêng mình.

Theo TS Vũ Tuấn Anh, nhà báo cần phải bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại, bảo vệ thông tin khỏi các mối đe dọa, tạo và duy trì mật khẩu an toàn, bảo vệ tập tin nhạy cảm trên máy. Cùng lúc, các nhà báo cần biết cách khôi phục thông tin bị mất, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng điện thoại di động an toàn…

Theo TS Vũ Tuấn Anh. nhà báo cần biết cách khôi phục thông tin bị mất, bảo vệ bản thân và dữ liệu khi sử dụng các trang mạng xã hội. 

Ông Hoàng Minh Trí (Báo Công an nhân dân) cho rằng, các phóng viên, nhà báo cần đặc biệt chú ý bảo vệ thông tin và dữ liệu của mình khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Mặt khác, nhà báo không nên đăng các thông tin cá nhân và các mối quan hệ gia đình, thân thiết lên Facebook để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công, uy hiếp.

Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Lê Nguyên Khang – Trưởng phòng An toàn thông tin, Công ty CP VCCorp, các máy tính và điện thoại di động của người dùng ở Việt Nam trong đó có nhiều phóng viên, nhà báo rất dễ dàng bị hacker tấn công, xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.

Nói về giải pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường số, ông Khang cho rằng, các phóng viên, nhà báo tuyệt đối không nên cài đặt và sử dụng các phần mềm lạ, không an toàn. Cùng với đó, người dùng nên đặt mật khẩu cho những tài liệu quan trọng khi lưu trữ.

Phong Lâm

Gần 20 triệu người dùng Internet ở Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng(VietQ.vn) - Theo kết quả của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), trong tổng số 50 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, hơn 1/3 có khả năng bị tấn công mạng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang