Tái cấu trúc sản phẩm nông nghiệp khẳng định vị thế nông dân

author 14:17 03/11/2014

(VietQ.vn) - Trong giao dịch hợp đồng, người nông dân luôn thua thiệt nhưng nếu ký kết hợp đồng với các nội dung quy định rõ ràng, họ sẽ có lợi thế về giá và công sức bỏ ra.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tại hội thảo “Tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kết hợp đồng” do Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) diễn ra sáng nay (3/11), các chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và APO cũng như các chuyên gia đến từ 20 nước trên thế giới khẳng định, người nông dân luôn ở thế chủ động nếu tham gia giao kết hợp đồng rõ ràng và đúng cách.

Hội thảo về “Tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kế hợp đồng”

Hội thảo về “Tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kết hợp đồng” quy tụ các chuyên gia đến từ 23 nước thành viên APO tham gia. Ảnh: N. N

Theo nhận định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi sự đổi mới và cơ cấu lại về tổ chức thị trường cũng như liên kết giữa các bên liên quan.

"Cách thức trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo lối truyền thống đang dần được thay thế bởi sản xuất định hướng theo thị trường, khép kín, liên kết các chuỗi giá trị. Xu hướng này có thể mang lại cho các nông hộ nhỏ một số bất lợi vì họ không có khả năng thương lượng và cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, họ còn phải chịu các rủi ro liên quan tới mất mùa do biến đổi khí hậu, thiệt hại về vật chất do vấn đề xử lý sau thu hoạch kém, giá cả thị trường suy giảm,… Để tạo điều kiện cho người nông dân giảm các thiệt hại, rủi ro và có một thị trường đầu ra đảm bảo cho sản phẩm của họ thì việc thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là rất hữu ích", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Trên thực tế, hình thức tiêu thụ nông sản thông qua ký kết hợp đồng giữa người nông dân và các doanh nghiệp khiến đôi bên cùng có lợi, xác lập được mối quan hệ bền chặt giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu. Mặt khác các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị máy móc. Khái niệm hợp đồng tiêu thụ nông sản cũng được nhắc đến từ khá lâu nhưng không phải người dân nào tham gia vào chuỗi giá trị này cũng thực sự được hưởng lợi vì họ phải đối mặt với nhiều vấn đề do thiếu kiến thức, kỹ năng, môi trường không thuận lợi,…

"Việc hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật cho người dân về hợp đồng tiêu thụ nông sản đang là vấn đề đáng được quan tâm tại các nước trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á", ông Tuấn nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng, người nông dân Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường với nhiều tiềm năng về sản phẩm nông sản

Các chuyên gia cho rằng, người nông dân Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường với nhiều tiềm năng về sản phẩm nông sản. Ảnh: N. N

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Sau khi QĐ80 được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng chủ động triển khai, quy hoạch lại các vùng nguyên liệu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ký hợp đồng ban hành chính sách hỗ trợ các bên ký hợp đồng.

Nhiều doanh nghiệp đã triển khai thực hiện tương đối tốt việc ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân. Nhờ đó sản phẩm sản xuất ra đảm bảo chất lượng, phẩm cấp đồng đều để chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Nông dân thông qua hợp đồng sản xuất, tiêu thụ đã yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng.

Đặc biệt tạo động lực cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập. Tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đã giúp người nông dân thay đổi cách thức làm ăn, thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thực hiện theo ký kết hợp đồng cũng gặp một số khó khăn như nhiều người dân không thực hiện đúng hợp đồng, bán nông sản cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác với giá cao hơn hoặc điều kiện khác hấp dẫn trước mắt, một số nông dân cố tình bán ra bên ngoài để lẩn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của doanh nghiệp theo hợp đồng hoặc nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng các khoản đã ký kết như cung ứng vật tư không đúng chất lượng, đơn phương phá bỏ hợp đồng, không quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu, lạm dụng thế độc quyền để ép giá trong thu mua nông sản, việc soạn thảo hợp đồng còn mang tính áp đặt, thanh toán chậm,…

Được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ và hỗ trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Viện Năng suất Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Tích hợp trang trại quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua ký kế hợp đồng”. Chuỗi hội thảo này diễn ra từ 03-07/11/2014 tại Hà Nội với sự tham dự của 23 đại biểu đến từ các nước thành viên của APO (Campuchia, Đài Loan, Indonesia, Iran, Malaysia, Nepal, Philippin, Srilanka, Thailand và Việt Nam).

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang